Cứ 10 người trưởng thành có 1 người mắc đái tháo đường

Theo IDF, cứ 5 giây trên Thế giới lại có 1 người chết vì bệnh đái tháo đường. Đặc biệt, đái tháo đường ngày càng trẻ hóa và là nguyên nhân gia tăng nguy cơ mắc bệnh mắt ở người trẻ... Vậy phòng ngừa như thế nào?

50% người mắc đái tháo đường không biết mình bị bệnh

Theo Liên đoàn đái tháo đường Thế giới (IDF), cứ 10 người trưởng thành trên thế giới thì có một người mắc bệnh đái tháo đường.

Đến năm 2045, dự báo của IDF cho thấy cứ 8 người trưởng thành thì có 1 người mắc đái tháo đường, khoảng 783 triệu người mắc đái tháo đường, tăng 46%.

Đáng chú ý, có tới 50% số người mắc đái tháo đường không biết rằng mình đang mắc bệnh.

Cũng theo IDF, cứ 5 giây trên Thế giới lại có 1 người chết vì bệnh đái tháo đường. Đặc biệt, đái tháo đường ngày càng trẻ hóa và là nguyên nhân gia tăng nguy cơ mắc bệnh mắt ở người trẻ, bởi bệnh đái tháo đường càng khởi phát sớm thì người bệnh càng có nguy cơ bị các vấn đề thị lực sớm hơn và nghiêm trọng hơn.

Hơn 90% người mắc bệnh đái tháo đường mắc bệnh đái tháo đường type 2, nguyên nhân là do các yếu tố kinh tế xã hội, nhân khẩu học, môi trường và di truyền.

Các bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, những yếu tố chính góp phần làm gia tăng bệnh đái tháo đường type 2 bao gồm:

– Đô thị hóa

– Dân số già

– Giảm mức độ hoạt động thể chất

– Gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương ở nhóm người trưởng thành từ 30-69 tuổi, tỷ lệ đái tháo đường là 2,7% vào năm 2002 đã tăng lên 5,4% năm 2012 và 7,3% vào năm 2020. Tỷ lệ có dấu hiệu tiền đái tháo đường là 17,8%.

Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, không lây nhiễm. Khi bệnh không kiểm soát được và theo thời gian sẽ gây tổn thương nghiêm trọng nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt là dây thần kinh và mạch máu.

Tuy nhiên, có thể giảm tác động của bệnh đái tháo đường bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẩn đoán sớm và chăm sóc thích hợp.

Thăm khám cho bệnh nhân bị biến chứng bàn chân do đái tháo đường - Ảnh minh họa

Thăm khám cho bệnh nhân bị biến chứng bàn chân do đái tháo đường - Ảnh minh họa

Phương pháp giúp phòng tránh bệnh đái tháo đường

Giảm cân: Giảm trọng lượng cơ thể là cách đơn giản nhất để đưa bạn ra khỏi vòng nguy hiểm của căn bệnh đái tháo đường. Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao nhất mắc căn bệnh này.

Theo các bác sĩ, ngay cả đối với bệnh đái tháo đường type 2, chúng ta cũng có thể giảm được nguy cơ mắc bệnh bằng cách giảm cân. Điều quan trọng là bạn kiểm soát được lượng calo bổ sung vào cơ thể mỗi ngày và chăm chỉ tập luyện thể thao đều đặn.

Ăn nhiều rau xanh: Nếu bạn thường ăn sáng với những đồ ăn nhiều dầu mỡ như bánh mì bơ, phomat bơ, khoai tây chiên… hãy đổi vị bằng món salad mỗi sáng. Bổ sung nhiều rau xanh thường xuyên là cách đơn giản nhất để phòng tránh bệnh đái tháo đường. Đây cũng là cách hữu hiệu để giảm thiểu cân nặng, giữ lượng đường trong máu được ổn định.

Hạn chế đi xe: Chúng tôi không muốn nói là bạn không được đi xe nữa nhưng hãy hạn chế việc phụ thuộc vào xe quá nhiều mà không vận động bằng cách đi bộ hoặc đạp xe mỗi ngày.

Hãy tận dụng mọi lúc mọi nơi để đi bộ như tránh đi thang máy mà thay vào đó hãy đi thang bộ hoặc để xe ở một nơi xa chỗ làm và đi bộ đến đó… Bên cạnh việc cắt giảm calo thì tập luyện cũng có thể giúp bạn giảm cân và sử dụng insulin trong cơ thể hiệu quả hơn.

Bổ sung ngũ cốc nguyên hạt: Ăn một số loại ngũ cốc nguyên hạt cũng giúp ổn định và kiểm soát được lượng đường trong máu chúng ta. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, bổ sung ngũ cốc nguyên hạt thường xuyên sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2, đột quỵ, huyết áp cao, thậm chí là chống ung thư vú.

Làm bạn với cà phê: Bạn có thể không tin nhưng cà phê lại thực sự giúp bạn tránh được bệnh đái tháo đường rất tốt. Một số nghiên cứu cho thấy, cà phê hoặc đúng hơn là caffeine có thể ngăn ngừa bệnh đái tháo đường một cách an toàn. Chúng ta nên uống đều đặn 1 ly cà phê mỗi sáng để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.

Bỏ qua thức ăn nhanh: Thức ăn nhanh là cơn ác mộng tồi tệ nhất trong cuộc chiến chống lại bệnh đái tháo đường. Vì vậy, bạn nên hạn chế loại đồ ăn này bất cứ lúc nào có thể.

Khám bệnh thường xuyên: Cách phòng và chữa trị bệnh dễ dàng nhất là khám bệnh thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Bạn cần phải biết lượng đường trong máu bạn như thế nào, đặc biệt là trong gia đình bạn đã có người bị đái tháo đường. Hãy xét nghiệm máu định kỳ và làm theo những lời khuyên của bác sĩ để phòng bệnh tốt nhất.

Không uống rượu bia: Uống rượu quá nhiều gây ra chứng bệnh mỡ trong máu cao, chủ yếu cải biến thành triacylglyceride và protein mật độ thấp trong máu. Về mặt lâm sàng chứng minh được, người uống rượu không chỉ làm cho mỡ máu tăng cao mà còn duy trì trong thời gian dài. Đối với những bệnh nhân điều trị bằng insulin uống rượu khi đói bụng dễ gây ra đường máu thấp

Gia tăng hoạt động thể lực: Chơi thể thao hơn 30 phút trong hầu hết các ngày; Tập thể dục khoảng 1giờ/ngày trong hầu hết các ngày; Năng động trong mọi hoạt động, bước khoảng từ 5.000-10.000 bước chân/ngày; Tránh ngồi một chỗ quá lâu khi làm việc, nên nghỉ ngơi 5 phút sau 1 tiếng làm việc. Đối với phụ nữ, nên hạn chế việc làm vào ban đêm.

Có chế độ dinh dưỡng hợp lý

– Ăn đa dạng: nên ăn trên 20 loại thực phẩm mỗi ngày bằng cách ăn các món ăn hỗn hợp, có nhiều món trong một bữa ăn, và món ăn nên thay đổi trong ngày, giữa các ngày, theo mùa… Nên hạn chế ăn những thức ăn cung cấp năng lượng rỗng như đường, nước ngọt, kẹo…

– Ăn chừng mực: không ăn bữa nào quá no hay quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều.

– Ăn thức ăn nguyên vẹn, gần với thiên nhiên để ít bị mất đi các thành phần dinh dưỡng có trong thức ăn.

– Dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật, lượng bột đường vừa đủ theo nhu cầu hoạt động của cơ thể, tránh dư thừa sẽ dễ làm tăng cân.

– Nên ăn các loại thịt nạc bỏ da, ăn cá nhiều hơn thịt. Ăn thêm các loại đạm thực vật như đậu hũ, các loại đậu khác.

– Nên hạn chế mặn, nếu có cao huyết áp chỉ dùng <1/2 muỗng cà phê muối/ ngày kể cả nêm nếm trong thức ăn.

– Uống sữa để phòng ngừa bệnh đái tháo đường.

Theo Đời sống
Hút thuốc lá gây nhiều bệnh trên hệ tiêu hóa

Hút thuốc lá gây nhiều bệnh trên hệ tiêu hóa

Hút thuốc góp phần gây ra nhiều rối loạn hệ tiêu hóa như ợ chua, ợ nóng, ợ trớ, đau bụng, mệt mỏi. Hút thuốc đã được chứng minh là yếu tố nguy cơ của ung thư thực quản, trào ngược dạ dày thực quản, Crohn, gan nhiễm mỡ...
Ai nên hạn chế ăn chuối chín?

Ai nên hạn chế ăn chuối chín?

Chuối là loại trái cây chứa nhiều chất dinh dưỡng và thơm ngon. Tuy nhiên, chuối lại không phù hợp với một số nhóm người. Vậy những ai không nên ăn chuối chín?
back to top