Ăn hành tây ổn định insulin, hỗ trợ chữa đái tháo đường

Hành tây giúp hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường tự nhiên vì chúng có tác dụng ngăn ngừa hạ đường huyết, kích thích tiết insulin.

Nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe

Hành tây không chỉ giúp mang lại hương vị thơm ngon hơn cho nhiều món ăn mà nó còn là thực phẩm giàu chất chống oxy hóa đặc biệt có lợi cho sức khỏe.

Bình thường chúng ta tiêu thụ rất nhiều hành tây chế biến các món ăn mà chưa thực sự chú ý đến những lợi ích tuyệt vời của chúng đối với sức khỏe. Hành tây đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và chứa các hợp chất thực vật rất có lợi cho sức khỏe, trong đó có người bệnh đái tháo đường.

Theo số liệu phân tích dinh dưỡng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong 100g hành tây chứa: Calo: 39; Lipid: 0,1g; Natri: 4mg; Carbohydrate: 9g; Chất xơ: 1,7g; Đường: 4,2g; Chất đạm: 1,1g; Vitamin C: 7,4mg; Sắt: 02mg; Vitamin B6: 0,1mg; Magie: 10mg...

Hành tây là nguồn prebiotic tự nhiên, inulin prebiotic, là thức ăn cho vi khuẩn đường ruột có lợi và thúc đẩy hệ vi khuẩn đường ruột cân bằng. Allicin, một hợp chất có trong hành tây, cũng giúp hỗ trợ đường ruột khỏe mạnh.

Hành Tây chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho tiểu đường - Ảnh minh họa

Hành Tây chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho tiểu đường - Ảnh minh họa

Hành tây có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại vi khuẩn và giảm nhiễm trùng. Nghiên cứu cho thấy tinh dầu hành tây có thể giúp giảm vi khuẩn như Staphylococcus aureus và Salmonella .

Loại rau củ này cũng rất giàu lưu huỳnh, một chất quan trọng để sản xuất chất chống oxy hóa glutathione. Chất chống oxy hóa này rất cần thiết cho sức khỏe của mắt, giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, đục thủy tinh thể và bệnh tăng nhãn áp.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng chế độ ăn giàu flavonoid - thường có trong hành tây - giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các chứng mất trí liên quan…

Đặc biệt, theo dữ liệu nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ, hành tây rất giàu hai nhóm hóa chất được cho là có lợi cho sức khỏe con người.

Đó là flavonoid và alk(en)yl cysteine sulphoxide (ACSO). Có hai nhóm flavonoid trong hành tây, anthocyanin tạo nên màu đỏ/tím cho một số giống; flavanol như quercetin và các dẫn xuất của nó tạo nên màu vàng và nâu cho vỏ của nhiều giống khác. ACSO là tiền chất tạo hương vị, khi được enzyme alliinase phân cắt, sẽ tạo ra mùi và vị đặc trưng của hành tây.

Dựa trên dữ liệu thu thập được, người ta đã kết luận rằng hành tây có thể hữu ích trong việc phòng ngừa và điều trị rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì do đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và giãn mạch, tăng giải phóng và đáp ứng insulin, giảm hấp thụ cholesterol và glucose, điều chỉnh quá trình chuyển hóa lipid và carbohydrate, ức chế quá trình tạo mỡ.

Hành tây chứa các hợp chất thực vật rất có lợi cho sức khỏe - Ảnh minh họa

Hành tây chứa các hợp chất thực vật rất có lợi cho sức khỏe - Ảnh minh họa

Rất tốt cho người bệnh tiểu đường

Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan, ăn hành tây thường xuyên có thể làm giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh đái tháo đường. Các hợp chất APDS trong hành tím đã được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn sự phân hủy insulin ở gan và kích thích tuyến tụy sản xuất insulin, giúp tăng lượng insulin trong máu và làm giảm glucose trong các nghiên cứu trên động vật.

Dưới đây là 4 lợi ích nổi bật của hành tây đối với bệnh đái tháo đường

Giúp điều chỉnh lượng đường trong máu: Hành tây chứa các hợp chất gọi là flavonoid và hợp chất lưu huỳnh, được phát hiện có đặc tính hạ đường huyết. Các hợp chất này có thể giúp điều chỉnh mức insulin và cải thiện quá trình chuyển hóa glucose, đặc biệt có lợi cho những người bị đái tháo đường.

Cải thiện sức khỏe tim mạch: Những người bị đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn, vì vậy việc chú ý bảo vệ sức khỏe tim mạch là rất quan trọng. Hành tây rất giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt là quercetin, đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ tim. Ăn hành tây cũng hỗ trợ hạ huyết áp và mức cholesterol, cả hai đều là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim.

Tăng cường chức năng miễn dịch: Người bị đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng hơn, vì vậy cần phải tăng cường chức năng miễn dịch. Hành tây giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa khác giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Ăn hành tây thúc đẩy giảm cân: Duy trì cân nặng khỏe mạnh là điều quan trọng đối với những người bị đái tháo đường, vì cân nặng dư thừa có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Hành tây có hàm lượng calo thấp và nhiều chất xơ, giúp thúc đẩy cảm giác no và giảm lượng calo tổng thể, giúp giảm cân và giảm nguy cơ béo phì.

BS Đinh Minh Trí (Đại học Y dược TP HCM)

Theo Đời sống
Sai lầm khi sử dụng nước mắm, vô tình gây hại sức khỏe

Sai lầm khi sử dụng nước mắm, vô tình gây hại sức khỏe

Nước mắm là thứ gia vị không thể thiếu trong các gia đình Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng nước mắm đúng cách. Nhiều người mắc phải những sai lầm khi sử dụng nước mắm, vô tình gây hại cho sức khỏe.
back to top