Điểm tiếng Anh thấp do nhiều nguyên nhân
Theo phổ điểm từng môn thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ GD&ĐT công bố mới đây, môn tiếng Anh có gần 750.000 thí sinh làm bài thi, trong đó gần 473.000 bị điểm dưới trung bình (chiếm 63,13%), 543 em bị điểm liệt (từ 1 trở xuống), 225 em đạt điểm tuyệt đối (10).
Điểm trung bình môn này là 4,58 và mức điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4. So với kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. So với năm ngoái, điểm trung bình môn tiếng Anh có nhỉnh hơn, tăng từ 4,36 lên 4,58 điểm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, một nguyên nhân của điểm thi môn Tiếng Anh năm 2020 tăng so với năm 2019 là tỷ lệ học sinh lớp 12 được học Chương trình môn Tiếng Anh hệ 10 (học từ lớp 3 đến lớp 12) năm học 2019 - 2020 tăng hơn so với năm học 2018 - 2019. Nếu như năm học 2019 - 2020 số lượng học sinh THPT được học Chương trình môn Tiếng Anh hệ 10 năm đạt 14% thì con số này năm học 2019 - 2020 là 30,5%.
Kết quả phân tích của Bộ GD&ĐT cho thấy, trung bình điểm bài thi THPT môn Tiếng Anh của học sinh theo học Chương trình môn Tiếng Anh hệ 10 năm cao hơn so với điểm bài thi môn này của học sinh học Chương trình môn Tiếng Anh hệ 7 năm (học từ lớp 6 đến lớp 12) là 2 điểm.
Cô giáo Hà Ánh Phượng, 1 trong 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020. |
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh, cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), 1 trong 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 cho biết, năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh thấp do nhiều yếu tố: Do dịch bệnh kéo dài gây nhiều trở ngại cho các sĩ tử trong quá trình ôn luyện, hiệu quả của việc học trực tuyến chưa thực sự phát huy cao... Bên cạnh đó, việc đề thi năm nay mang tính phân hóa rõ ràng cũng là yếu tố quyết định tới kết quả thi của các em.
Từng có nhiều năm giảng dạy môn tiếng Anh trong trường phổ thông, theo cô Phượng, nhiều học sinh còn gặp nhiều khó khăn trong việc học ngoại ngữ xuất phát từ nhiều nguyên nhân như động cơ học tập còn kém, phương pháp học còn chưa khoa học, tâm lý coi ngoại ngữ như một ngôn ngữ lạ khác với tiếng mẹ đẻ, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá chưa thực sự phát huy được năng lực và phẩm chất của học sinh, hạn chế về cơ sở vật chất, môi trường học tập ngoại ngữ và các yếu tố khác.
Cần tăng cường các bài kiểm tra kỹ năng nghe, nói, đọc, viết
Cô Hà Ánh Phượng chia sẻ, quan điểm dạy học của cô là ‘Anh ngữ là sinh ngữ”, vì vậy muốn tiến bộ người học cần phải có môi trường để luyện tập. Nếu như trong một thời gian không luyện tập và không có môi trường để luyện tập thì các em sẽ khó đạt được hiệu quả, đặc biệt là các kỹ năng nghe, nói.
Môi trường ở đây có thể hiểu là những yếu tố thuận lợi cho việc luyện tập ngoại ngữ cho học sinh như chất lượng của đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy, các hoạt động trong và ngoài giờ, tính tự học của học sinh, sự phát triển chuyên môn của giáo viên, trong đó phương pháp giảng dạy đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi trên thực tế phương pháp dạy học grammar translated method (phương pháp ngữ pháp- dịch) vẫn còn đang tồn tại ở nhiều thầy cô.
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa lớp Tiếng Anh của cô giáo Hà Ánh Phượng. |
Để khắc phục được tình trạng này không phải chỉ giải quyết trong ngày một, ngày hai mà cần cả một quá trình thay đổi của cả thầy cô và các em học sinh.
Cụ thể, để nâng cao chất lượng của bộ môn Tiếng Anh, giáo viên đứng lớp cần phải không ngừng phát triển chuyên môn. Thầy cô cần tạo ra niềm say mê học tập thực sự, một nguồn năng lượng tích cực cho các em học sinh trong từng tiết học, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngoại ngữ trong bối cảnh toàn cầu hóa và thời đại công nghệ 4.0 đồng thời cần tạo ra môi trường học tập ngoại ngữ thuận lợi để các em có thể đam mê và phát huy được năng lực của mình.
Ngoài ra, cần thay đổi về hệ thống kiểm tra đánh giá, tăng cường các bài kiểm tra kĩ năng tiếng nghe, nói, đọc, viết trong chương trình phổ thông, khuyến khích học sinh tham gia các chứng chỉ quốc tế ngay thay vì đặt nặng phần kiểm tra ngữ pháp sẽ giúp các em dần thay đổi được phương pháp và định hướng học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của mình.
Với trẻ em, việc tiếp cận ngoại ngữ càng sớm càng tốt để tận dụng thời gian vàng của việc phát triển ngôn ngữ.
“Tôi có niềm tin vào thế hệ trẻ, đặc biệt là các em học sinh đang được học chương trình sách giáo khoa hệ 10 năm các cấp tiểu học và THCS bây giờ, tin rằng sau khi tốt nghiệp THPT các em sẽ đạt được chuẩn đầu ra như kỳ vọng của chương trình giáo dục phổ thông mới, thậm chí có nhiều em còn vượt xa hơn nữa. Tôi hy vọng rằng trong tương lai gần Tiếng Anh sẽ sớm trở thành ngôn ngữ thứ 2 chứ không còn là ngoại ngữ nữa…”, cô Phượng chia sẻ.
Cô Phượng cho biết, hiện tại, cô đang tham gia hệ thống lớp học kết nối toàn cầu, học sinh trong trường có thể tham gia kết nối với học sinh trên toàn thế giới ở những trường học uy tín trong và ngoài nước thông qua diễn đàn Microsoft. Đây là diễn đàn tuyệt vời để cô kết nối lớp học của mình với các lớp học trên thế giới, không chỉ dừng ở đó, cô Phượng còn tích cực tham gia các hội nhóm phát triển chuyên môn trên thế giới như nhóm giáo viên tiếng Anh, nhóm giáo viên đam mê công nghệ, đặc biệt là nhóm giáo viên TOP 50 giáo viên toàn cầu để được học hỏi những kinh nghiệm đáng quý từ các thầy cô trên thế giới và lan tỏa cho đồng nghiệp của mình. Đây cũng là một trong những cách để các thầy cô giáo nâng cao chất lượng giảng dạy môn Tiếng Anh trong nhà trường phổ thông.