Kỳ thi THPT QG và kỳ thi vào lớp 10 sắp diễn ra. Đối với nhiều em, Tiếng Anh là một môn khó. Sau đây, sẽ là một số gợi ý về cách ôn tập và làm bài thi môn Tiếng Anh để các em đạt được kết quả cao trong kỳ thi tới.
Bám chắc kiến thức lớp 12
Đối với bài thi môn Tiếng Anh, kỳ thi THPT Quốc gia 2019, kiến thức trọng tâm về ngữ pháp và từ vựng vẫn sẽ chủ yếu tập trung ở nội dung và kiến thức của lớp 12, chủ đề ở nội dung thi phần đọc hiểu cũng vậy. Chỉ cần nắm vững kiến thức lớp 12 là các em có thể có kết quả tốt.
Có thể tóm lược những kiến thức trọng tâm các em cần ôn tập dựa vào các dạng bài trong đề thi như sau:
Phần 1: ngữ âm (gồm 2 câu hỏi về phát âm và 2 câu hỏi về trọng âm của từ).
Về phần ôn tập này, các em học sinh cần lưu ý những dạng phổ biến:
Phát âm về nguyên âm (a/e/oo/...), phụ âm (s/ch/h) hay các âm kết (ending sounds: -ed có 3 cách phát âm /t/, /d/, /id/).
Trọng âm của từ: học sinh cần nắm được quy luật phát âm của các từ gồm 2 âm tiết.
Với các động từ gồm 2 âm tiết, trọng âm thường rơi vào âm tiết thứ hai. Với các danh từ và tính từ gốm 2 âm tiết, trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất. Với các từ gồm 3 âm tiết trở lên, trọng âm thường rơi vào âm tiết thứ 3 tính ngược từ âm tiết cuối cùng của từ đó (hay còn gọi là tính từ trái qua phải sẽ là âm tiết thứ ba của từ).
Với những từ có đuôi –ate, -y, -ise, -ize thì trọng âm thường rơi vào âm tiết thứ 3 tính từ phải qua trái (ngược lại với qui tắc trên vừa nêu): dominate, philosophy, biology, organise, excersize.
Phần 2: Tìm từ đồng nghĩa – trái nghĩa: các em ôn thật kĩ kiến thức trong sách giáo khoa, đặc biệt là các từ vựng về các chủ đề đã học
Phần 3: Ngữ pháp các em đã học trong chương trình THPT: các thì trong tiếng Anh vẫn là kiến thức trọng tâm; ngoài ra, là các mạo từ a/an/the; các loại câu điều kiện (loại 0, 1,2,3); câu bị động.
Phần kiến thức này rất nhiều em chủ quan, nên lưu ý cần nắm vững chủ ngữ và động từ liên quan tới các thì mới giúp các em đạt điểm câu hỏi của phần hoàn thành câu hay chọn từ cho đúng với đáp án A,B,C,D.
Việc nắm được các dạng của từ (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ) giúp các em lựa chọn đáp án đúng cho bài trắc nghiệm chọn từ, cụm từ trong bài điền từ.
Mẹo làm bài thi trắc nghiệm
Bài thi THPT QG, với phần thi trắc nghiệm chọn từ hoặc cụm từ, các em cần lựa chọn một trong bốn đáp án để hoàn thành chỗ trống đang bị thiếu từ hoặc cụm từ sao cho đúng về ngữ pháp và tính logic trong câu.
Để đảm bảo được tính chính xác, các em cần sử dụng phương pháp loại trừ (những từ và cụm từ có khả năng cao là sai và không phù hợp vói mẫu câu và từ vựng có liên quan đến nội dung của câu đó).
Nếu câu có chỗ trống liên quan đến từ vựng, các em cần xác định dạng của từ đứng trước và sau chỗ trống đó để xác định dạng từ là danh từ, động từ, tính từ hay trạng từ cho đúng với ý đồ và mục đích của đề thi yêu cầu. Hoặc có thể là dạng từ loại ở dạng số ít hay số nhiều...
Nếu câu có chỗ trống liên quan đến mặt ngữ nghĩa thì các em cần xác định từ nào có nghĩa liên quan đến chủ đề và logic nhất hoặc cùng đi với các từ khác tạo thành cụm từ hoặc thành ngữ phù hợp với câu đó thì các em chọn.
Tiếp theo, là câu văn cần các em xác định yếu tố ngữ pháp để chọn câu trả lời thì các em xác chọn đáp án về thì (các động từ trong câu phải mang tính logic và nhất quán về mặt thời gian).
Với phần thi nhận biết lỗi sai: một trong bốn từ hoặc cụm từ gạch chân là phương án sai, các em học sinh cần cân nhắc để tìm ra lỗi sai ấy để đảm bảo tính chính xác về nghĩa và đúng ngữ pháp của câu.
Các em cần đọc kĩ cả câu, nghĩ đến những lỗi sai thông thường các em hay gặp nhất: cấu tạo từ, kết hợp giữa danh từ và tính từ, đọng từ và trạng từ, sai chính tả, mạo từ, động từ ở dạng chủ động hay bị động, mốc thời gian với since/ for của thì hoàn thành ... Từ đó, các em sẽ chọn được đáp án chính xác cho câu hỏi.
Cách căn chỉnh thời gian làm bài
Về mức độ khó dễ của đề thi tiếng Anh kỳ thi THPT Quốc gia do Bộ GD&ĐT công bố, 60% bài thi sẽ là kiến thức cơ bản, 40 % bài thi sẽ rơi vào các câu hỏi với nội dung đòi hỏi học sinh kiến thức nâng cao.
Có một điều các em cần lưu ý, phần nâng cao, các câu hỏi khó sẽ không tập trung ở 1-2 phần trong đề thi mà sẽ nằm rải rác ở các phần ngữ pháp, từ vựng, mẫu câu...
Vì vậy, các em cần biết căn chỉnh thời gian khi làm bài, câu nào khó đánh dấu, để lại, làm những câu làm được trước. Không nên nghĩ, câu khó sẽ thuộc phần sau của đề, mà cố loay hoay làm hết phần đầu.
Đối với phần thi trắc nghiệm, ngay khi giám thị phát đề (lúc này chưa bị tính thời gian làm bài) các em nên đọc lướt qua đề thi để có cái nhìn đánh giá khái quát về độ khó, dễ của đề. Sau đó, bắt tay vào làm ngay.
Câu nào dễ các em làm trước và tô luôn vào phiếu trắc nghiệm, câu khó đánh dấu để lại làm sau. Các em tuyệt đối không được để trống bài thi, kể cả các câu khó, cần cố gắng tô hết phiếu trắc nghiệm của mình.
Với phần thi đọc hiểu, các em hãy đọc thật nhanh từ đầu đến hết bài, không bị từ mới làm ảnh hưởng tới tốc độ đọc bài và mất thời gian đi tìm nghĩa cảu từ mới (1 phút là tốt nhất nếu có thể).
Sau đó, các em hãy tự trả lời câu hỏi: chủ đề cảu bài đọc này là gì? Chuỗi sự kiện trong bài diễn ra trong khoảng thời gian nào? Chủ đề của mỗi đoạn nhỏ trong bài đọc này là về cái gì?
Từ đó, các em đọc kĩ từng câu hỏi, xác định từ khóa trong câu hỏi để xác định thông tin trọng tâm của bài vừa đọc và chọn đáp án phù hợp và chính xác nhất có thể cho mỗi câu hỏi. Tuyệt đối không được dành quá nhiều thời gian cho câu hỏi khó hoặc không được bỏ qua câu khó của phần thi.
Dụng cụ làm bài thi trắc nghiệm nên là bút chì mềm (2B) để các em tô cho dễ, đem theo viên tẩy giúp giữ cho bài thi sạch.
Đối với các em thi vào lớp 10, thực tế cho thấy, nhiều em học sinh có năng lực tốt, sử dụng những cấu trúc, từ ngữ rất phong phú, linh hoạt. Nhưng đôi khi, chính điều này lại khiến các em… mất điểm.
Bởi vì các giáo viên phổ thông chấm thi theo đúng đáp án cứng nhắc. Trong khi nhiều thí sinh viết đúng và sáng tạo, sử dụng nhiều từ ngữ và diễn đạt phong phú thì lại không đạt yêu cầu theo đáp án.
Cho nên, khi đi thi, phần viết lại câu các em nên sử dụng cấu trúc câu thông thường, đừng sáng tạo quá. Vốn từ vựng cũng nên tập trung chủ yếu trong chương trình sách giáo khoa, nếu không, có thể giáo viên sẽ khó nắm bắt được ý các em muốn chuyển tải.
Giảng viên Đỗ Thị Thu Huyền
(Khoa Tiếng Anh,Trường Đại học Hà Nội)