Thay đổi tư duy học tủ
Những năm gần đây, các đề thi Ngữ văn của Bộ Giáo dục được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực nhằm kiểm tra kỹ năng đọc và hiểu văn bản; vận dụng ngôn ngữ và hiểu biết các vấn đề xã hội để viết luận xã hội; khả năng tư duy - biết vận dụng sáng tạo kiến thức các văn bản văn học vào giải quyết các yêu cầu.
HS cần thay đổi ngay suy nghĩ học tủ, học thuộc lòng các bài văn một cách máy móc. Cần có cái nhìn chủ động tổng hợp kiến thức ở nhiều phân môn như: Tiếng Việt, Làm văn, Đọc hiểu; biết quan tâm hơn nữa đến những vấn đề của đời sống xã hội ngày nay, có tư duy linh hoạt trong việc vận dụng kiến thức cơ bản của các văn bản văn học.
Đặc biệt, phải bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT ban hành: Từ năm 2017 Bộ GD&ĐT ban hành mẫu đề thi minh họa từ trước để định hình các dạy và học của GV và HS cho sát.
Kĩ năng làm các phần trong đề thi
Kĩ năng làm phần Đọc – Hiểu (3,0 đ): Phần đọc hiểu chiếm 30% số điểm của toàn bài và có tính chất quyết định khả năng điểm cao của thí sinh.
Ngữ liệu có thể là thơ hoặc văn xuôi nằm ngoài SGK. Để có thể “ăn điểm” tuyệt đối ở phần đọc hiểu, HS cần phải đọc thật tập trung và đọc kĩ ít nhất 2 lần văn bản để nắm được nội dung.
Theo cấu trúc, phần này gồm 4 câu hỏi: câu 1,2 (0,5 đ) thuộc dạng dễ “ biết, hiểu”. phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, nhận diện các thể thơ, xác định câu chủ đề, khái quát chủ đề, đặt nhan đề, nêu nội dung chính của văn bản hoặc ý nghĩa của văn bản.
Hoặc cách hỏi “nhận biết” hoàn toàn linh hoạt nhận diện – nắm được các thông tin trong văn bản đọc hiểu như “Theo tác giả,…”. Đây là 2 câu hỏi dễ, đáp án thường có ngay trong văn bản, HS chỉ cần đọc kỹ là thấy được ngay đáp án. Câu này để tránh điểm liệt.
Cần tạo cho mình thói quen đọc trước yêu cầu đề và gạch chân những từ ngữ, những câu quan trọng.
Câu 3,4 (mỗi câu 1,0 đ) tăng dần mức độ khó, cấp độ “vận dụng”. Các dạng câu hỏi thường gặp là “nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ” hoặc “thao tác lập luận”.
HS cần hệ thống lại các kiến thức như: các thao tác lập luận trong bài văn nghị luận đã học (giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ); các biện pháp tu từ từ vựng, tu từ ngữ âm, tu từ cú pháp đã học để nhận diện chính xác.
Khó hơn cả là phải thấy được ý nghĩa của việc sử dụng biện pháp tu từ đó nhằm đạt mục đích gì.
Xu thế mới là các dạng câu hỏi mở - kiểm tra sự hiểu biết, góc nhìn riêng của HS như “Hiểu như thế nào về ý kiến… trong văn bản; Việc tác giả trích dẫn ý kiến có tác dụng gì, có đồng tình với quan điểm… không? Tại sao? Quan điểm trong văn bản có còn phù hợp ngày nay…”
Để làm tốt và không trả lời sót ý câu hỏi Đọc hiểu, cần xác định nội dung chính yêu cầu của câu hỏi để trả lời đúng trọng tâm. Khi trả lời cần trình bày thật rõ ràng các câu, các ý gọn gàng bằng những gạch đầu dòng cho mỗi ý.
Trả lời các câu hỏi 1,0 đ nên tách thành các ý nhỏ. Không nên viết thành đoạn văn vì vừa mất thời gian vừa khiến giám khảo đọc tìm ý khó khăn (phần đọc hiểu không đòi hỏi kĩ năng tạo lập văn bản).
Kĩ năng viết đoạn văn NLXH (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của HS về một vấn đề trong văn bản Đọc hiểu.
Cần nhận thức đúng đoạn văn khoảng 200 chữ lí tưởng nhất (không phải đếm từng chữ) chừng 2/3 trang giấy thi với cỡ chữ viết to. Nếu viết chữ nhỏ thì khoảng ½ trang giấy. Không nên viết quá ngắn hoặc quá dài, vì đoạn văn sẽ sơ sài hoặc sẽ chiếm mất thời gian cho các câu khác.
Cần hiểu đúng về nội dung và hình thức của một đoạn văn. Đoạn văn NLXH chính là việc người viết triển khai MỘT Ý, có thể viết đoạn theo một trong 4 cách cơ bản nhất: diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, song hành.
Cần phân biệt cách viết đoạn văn và bài văn NLXH. Đoạn văn không phải là bài văn NLXH thu nhỏ với đầy đủ các thao tác lập luận được triển khai.
Trong đáp án của Bộ GD&Đt đã lưu ý rất rõ: không cho điểm tối đa 2,0 đ nếu viết giống hình thức bài văn.
Định hướng đúng đắn của GV sẽ giúp HS định hình chính xác về hình thức và triển khai đúng và sâu nội dung yêu cầu đoạn văn của đề.
Ví dụ:
Đề thi THPT QG 2017: Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.
Đáp án gợi ý: Sự thấu cảm bồi đắp lòng nhân ái, giúp con người biết sống yêu thương, biết chia sẻ và có trách nhiệm Sự thấu cảm tạo nên mối quan hệ thân thiện giữa người với người, giúp cho xã hội tốt đep hơn.Đề thi THPT QG năm 2018: Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay.
Đáp án gợi ý: Xuất phát từ thực tế đất nước, mỗi cá nhân cần ý thức được sứ mệnh của mình, có hành động cụ thể để đánh thức tiềm lực của bản thân; từ đó tác động tích cực đến cộng đồng nhằm đánh thức tiềm lực của đất nước.Để viết đúng, trúng vào yêu cầu, không bị lạc đề hoặc sơ sài hời hợt, thí sinh cần đọc thật kĩ yêu cầu của nhận định (đọc đi đọc lại 5 lần càng tốt) để thuộc và nắm thật vững chủ đề đang viết.
Sau đó lập các ý cơ bản, lựa chọn hình thức đoạn văn phù hợp (cách viết đoạn văn tổng – phân - hợp thường được đánh giá là chặt chẽ, logic), chú ý các phép liên kết câu trong văn bản để các câu văn không rời rạc. Bài viết cần có hệ thống dẫn chứng để làm tăng sức mạnh cho các luận cứ.
(còn tiếp)
ThS Nguyễn Tuyết Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khoa học Giáo dục, Đại học Quốc gia HN.