Cơ chế xin – cho, lợi ích nhóm “ẩn khuất” trong các dự án treo

Theo TS Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, tình trạng tồn tại rất nhiều dự án treo, dự án ma hiện nay là do năng lực chủ đầu tư, chất lượng quản lý nhà nước, lợi ích nhóm, tâm lý nhiệm kỳ, cơ chế xin cho... vẫn lẩn khuất đâu đó.

Hàng nghìn hecta đất lãng phí

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội còn hàng trăm dự án sử dụng đất chậm tiến độ, gây lãng phí hàng nghìn hecta đất, thực tế hiện tượng vi phạm Luật Đất đai này xảy ra phổ biến trong nhiều năm qua tại Hà Nội.

Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay HĐND TP Hà Nội đã phải giám sát, thậm chí còn tái giám sát việc sử dụng đất của các dự án ngoài ngân sách nhưng đến nay vẫn chưa xong. Trong số đó còn rất nhiều dự án không được xử lý dứt điểm theo kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát làm giảm hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đất đai, gây bức xúc trong nhân dân.

Có thể liệt kê một số dự án chậm tiến độ trên 10 năm, vi phạm quy định pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố như: dự án Khu đô thị mới Dương Nội (phần đấu nối giao thông, đất xen kẹt và dải cây xanh) của Tập đoàn Nam Cường dù được giao 34,15ha đất từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa xong, thậm chí còn vừa được gia hạn 24 tháng nhưng vẫn chậm.

Dự án Khu nhà ở Văn La - Văn Khê tại quận Hà Đông do Công ty CP đầu tư phát triển Sông Đà Sudico làm chủ đầu tư, được giao 10,6ha đất năm 2007 nhưng sau 14 năm đến nay vẫn xin điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Dự án Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm do Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà làm chủ đầu tư, được giao 49,2ha đất từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Dự án Vườn sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận tại 9 xã từ Cẩm Đình đến Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ do Công ty TNHH thương mại Kim Thanh làm chủ đầu tư, diện tích đất được giao tới 238,6ha từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy, thậm chí còn đang loay hoay xin điều chỉnh quy hoạch.

Dự án Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp tại quận Hoàng Mai do Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là chủ đầu tư, diện tích được giao 57,1ha từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.

Dự án Khu nhà ở Làng hoa Tiền Phong tại huyện Mê Linh do Công ty CP đầu tư bất động sản Prime Land làm chủ đầu tư, được giao tới 40ha đất từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư xây dựng.

Dự án Khu đô thị Cienco 5 do Công ty CP xây dựng công trình 507 làm chủ đầu tư, được giao gần 50ha đất tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư xây dựng, vẫn chỉ là khu đất trống.

Dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông của Công ty đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (Tập đoàn Bim Group) diện tích đất được giao 16,7ha từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được triển khai còn loay hoay công tác giải phóng mặt bằng.

Còn rất nhiều dự án khác cũng đang trong tình trạng tương tự trên địa bàn TP Hà Nội, chậm triển khai, gia hạn thời gian thực hiện, hoặc loay hoay xin điều chỉnh quy hoạch gây lãng phí tài nguyên đất đai.

Hà Nội nhiều dự án bỏ hoang hàng chục năm

Trách nhiệm của cơ quan quản lý

Trao đổi về nguyên nhân và trách nhiệm trong vấn đề này, TS Trương Văn Quảng cho biết, việc để xảy ra hàng trăm dự án treo, chậm triển khai sẽ gây ra nhiều hệ lụy cả về vật chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, lòng tin của người dân, gây lãng phí không nhỏ nguồn tài nguyên đất đai, nguồn lực.

Trách nhiệm này thuộc cả về chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý nhà nước là đặc biệt quan trọng. Nếu như trong quá trình thực hiện chức trách, cơ quan quản lý thực hiện nghiêm túc chức năng nhiệm vụ của mình, công tác thanh kiểm tra nghiêm túc, minh bạch sẽ góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng dự án treo.

Theo TS Trương Văn Quảng, thực tế, rất nhiều dự án treo, dự án ma hiện nay do năng lực chủ đầu tư, do chất lượng quản lý nhà nước, lợi ích nhóm chưa phải đã hết, tâm lý nhiệm kỳ, cơ chế xin - cho vẫn tồn tại lẩn khuất đâu đó. Công tác phát triển đô thị chỉ nói nhiều đến quy hoạch thiếu tầm nhìn mà chưa bao giờ có việc nhìn nhận đánh giá một cách nghiêm túc, khoa học công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

“Hệ lụy của các dự án treo là không nhỏ nhưng chúng không được chỉ rõ nguyên nhân, còn lẩn tránh trách nhiệm dẫn đến thất thoát lãng phí nguồn lực đất đai, ảnh hưởng sinh kế người dân. Trong khi đó, cảnh quan đô thị chắp vá, chất lượng sống đô thị chưa đạt yêu cầu. Trách nhiệm này không ai khác ngoài cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời trong đó có cả trách nhiệm của các chủ đầu tư”, TS Trương Văn Quảng nhấn mạnh.

“Thực tế, rất nhiều dự án treo, dự án ma hiện nay do năng lực chủ đầu tư, do chất lượng quản lý nhà nước, lợi ích nhóm chưa phải đã hết, tâm lý nhiệm kỳ, cơ chế xin - cho vẫn tồn tại lẩn khuất đâu đó. Công tác phát triển đô thị chỉ nói nhiều đến quy hoạch thiếu tầm nhìn mà chưa nhìn nhận đánh giá một cách nghiêm túc, khoa học công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này”.

TS. Trương Văn Quảng

Theo Đời sống
back to top