Với những vết đốt của các loại côn trùng không nguy hiểm, bạn có thể tự xử lý bằng các mẹo dân gian như dùng nước vôi trong, dấm, nước muối…
GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, thông thường chất tiết côn trùng mang tính axit, như kiến lửa là axit formic. Cho nên khi bị côn trùng đốt người ta hay dùng nước vôi, kem đánh răng, thậm chí là nước bọt để xử lý. Kinh nghiệm dân gian này cũng dựa trên những cơ sở khoa học nhất định, đến nay vẫn có thể áp dụng như một biện pháp đối phó lành tính, không gây hại khi bị côn trùng đốt. Tuy vậy với trường hợp bị ong đốt, đặc biệt ong đất, ong vàng hay kiến 3 khoang... cần đến cơ sở y tế để được hỗ trợ xử lý.
Khi bị ve cắn, không tự ý rứt nó ra vì như vậy răng ve sẽ gãy còn lại gây đau buốt thậm chí còn kéo theo rách xước cả da thịt. Nên lấy nước điếu đặc chấm vào miệng ve, nó sẽ nhả ra rơi xuống. Cũng có thể lấy que thép nung nóng dí vào con ve để nó nhả ra, sau đó lấy vôi tôi xát vào nơi ve cắn. Trường hợp không may chạm da vào bọ nẹt hay sâu róm, cần lấy ngay tóc rối xát vào nơi sưng tấy, hoặc lấy một nắm xôi hay cơm lăn đi lăn lại nhiều lần nơi da chạm vào nhằm làm lông của sâu dính hết vào cơm mà hết đau. Sau đó lấy rau má, rau khoai lang, khoai sọ mỗi thứ 1 nắm giã nhỏ xát vào chỗ ngứa. Cũng có thể bắt con bọ nẹt mổ lấy ruột xát vào nơi đau cũng khỏi.
Khi bị các loại côn trùng tấn công, bạn có thể làm dịu cơn ngứa và sưng phồng rộp bằng kem đánh răng, rượu, nước đá, nước cốt chanh, lá mướp, lá hành hay hành tây thái lát, hoặc dấm ăn thoa đều lên vết côn trùng cắn, dùng tỏi và hành tây thoa khi bị muỗi đốt sẽ giúp giảm ngứa hiệu quả tức thì.