Hỏi: Loài bướm có các cách ngụy trang nào, mục đích để làm gì?
Hoàng Thị Minh Luân (Hà Nội)
TS Vũ Văn Liên, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam: Nguỵ trang thường gặp rất nhiều trong tự nhiên. Từ sự nguỵ trang để bắt mồi đến nguỵ trang để phòng tránh kẻ thù.
Do tính đa dạng về thành phần loài, kích thước cơ thể, phân bố ở hầu khắp mọi nơi nên cách nguỵ trang của các loài côn trùng cũng rất đa dạng. Để tồn tại sâu thường phải núp phía dưới lá cây để tránh sự phát hiện của kẻ thù hoặc phải kiếm ăn vào đêm. Nhiều loại sâu không sợ gì cả, với màu sắc sặc sỡ chúng ung dung xuất hiện ngay trước mắt kẻ bắt mồi. Nhưng chằng có kẻ nào dám động đến chúng, vì chúng có lông độc hoặc có chứa độc trong cơ thể (với màu sắc cảnh báo như màu đỏ, vàng...).
Trong thực tế, chỉ có một số loài có màu sắc sặc sỡ là có độc, số còn lại là hoàn toàn vô hại, nhưng chúng bắt chước hình thái và màu sắc các loài có độc. Một số loài không có độc, cũng không bắt chước các loài có độc được, chúng buộc phải thay đổi hình dạng giống như cành hoặc lá cây (bướm lá khô), nếu chúng đậu trên thân cây hay dưới tán cây, kẻ thù rất khó phát hiện ra chúng. Một số loài sâu hoặc nhộng, nhất là các loài qua đông cũng có sự ngụy trang giống với thảm lá khô.