Đỉnh điểm nở rộ của ong, kiến, ruồi, muỗi…
GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, cuối xuân đầu hè là thời điểm nhiều loài côn trùng sinh sôi phát triển nhất, nên những vụ tan nạn từ côn trùng đa phần xảy ra vào thời điểm này. Đó là lý do để các cụ ngày xưa đặt ra ngày tết “giết sâu bọ” vào ngày 5/5 âm lịch hay còn gọi là Tết Đoan ngọ.
Ngày nay do biến đổi khí hậu, các mùa cũng dịch chuyển dần nên thời điểm mùa xuân kết thúc sớm, mùa hè bắt đầu cũng nhanh hơn. Đáng lưu ý là không chỉ côn trùng sống gần người như gián, ruồi, muỗi, kiến, mối, bọ chét… mà những côn trùng sống ngoài tự nhiên như ong mật, ong vàng, kiến 3 khoang, rầy… cũng xâm nhiễm vào không gian có người hoặc theo gió, theo tính hướng quang bay vào.
“Thời tiết có độ ẩm cao, không khí không quá nóng cũng không quá lạnh, lại có mưa phùn lất phất… là điều kiện lý tưởng để các loài côn trùng phát triển. Do đó, để tiêu diệt côn trùng, tránh bị chúng tấn công thì phải có các biện pháp xử lý vào thời điểm này sẽ đạt được hiệu quả cao. Đây cũng là lúc phải đề cao cảnh giác, bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ, tránh bị côn trùng tấn công, mang theo các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nên cho bé ngủ màn, kể cả ban ngày để tránh côn trùng. Kiểm tra chăn, gối, nệm trước khi ngủ. Khi trẻ bị côn trùng xâm nhập vào vùng tai mũi họng, cần đưa đến bác sĩ hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, GS Bùi Công Hiển cho biết.
Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm do côn trùng tấn công vào khoảng thời gian này. Nạn nhân gồm cả trẻ em và người lớn. Do đó, việc phòng tránh côn trùng bằng dọn dẹp sạch nhà cửa, môi trường xung quanh nhà… là việc làm cần thiết.
Áp dụng nhiều cách diệt côn trùng
Theo GS Bùi Công Hiển, để phòng chống có thể dùng biện pháp ngăn cản vật lý (tấm lưới, tấm rèm… che chắn của sổ, cửa ra vào). Không nên dùng hóa chất diệt côn trùng, nhưng nếu không gian quá rộng, nhiều vườn cây, trang trại chăn nuôi hay xung quanh có nhiều ruồi muỗi do rác thải, khu chế biến, chăn nuôi… thì buộc phải phun hóa chất diệt côn trùng mới có thể ngăn cản được chúng tấn công vào khu vực nhà ở. Ngoài ra phải vệ sinh vườn sạch sẽ, không để các bụi cây um tùm, các chum vại đựng nước lưu cữu, làm sạch các khu trồng cỏ, mục đích để ruồi muỗi, côn trùng không có chỗ trú ngụ. Bên trong nhà luôn giữ vệ sinh và có thể treo ở chỗ kín đáo có khả năng côn trùng bay vào (của sổ, cửa thông gió) các tấm bẫy dính có bán trên thị trường.
Còn trong nhà, nếu có quá nhiều gián, ruồi, kiến, chuột… thì cách làm thủ công rất khó mang lại tác dụng. Do đó, ngoài việc vệ sinh sạch sẽ nhà cửa thì có thể dùng bả sinh học chuyên dụng cho từng đối tượng như gián, kiến, ruồi, muỗi và kết hợp dùng vợt muỗi, đèn bắt muỗi và vệ sinh thường xuyên. Ở nơi tập trung như các khu chung cư nên có tổ chức cộng đồng cùng giữ vệ sinh và thanh trừ các côn trùng gây hại cả khu vực chung sống. Nhà sẽ không thể sạch ruồi muỗi nếu ngoài ngõ, môi trường xung quanh không sạch sẽ, rác thải để bừa bãi, cống rãnh không được vệ sinh…
Khi bị côn trùng cắn, nên xử lý bằng các chất có tính kiềm và sát trùng bằng cồn. Đặc biệt lưu ý các trường hợp như ong, kiến ba khoang đốt… phải theo dõi cụ thể, trường hợp bị nặng nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Nếu bị chuột cắn thì phải sát trùng ngay vết thương và đến các cơ sở y tế để được tư vấn về cách xử trí an toàn nhất.
Theo GS Bùi Công Hiển, khi bị ong tấn công, phản ứng đầu tiên là ngồi hay đứng im, nếu có bật lửa thì đốt giấy hay vật liệu gì đấy tạo khói, ong sẽ bay đi.