Ánh sáng không tỏa nhiệt
Một trong những tập tính sống của động vật dễ nhật biết nhất trong tự nhiên là nhiều động vật có thể tự phát sáng (phosphorescence) hay phát quang sinh học (bioluminescence). Tập tính này được biết có ở động vật nguyên sinh (Protozoa), ruột khoang (Coelenterata), thân mềm hay nhuyễn thể (Mollusca), giun đốt (Annelida), giáp xác (Crustacea), cá, chim, vi khuẩn, nấm và sinh vật khác. Nhưng ví dụ được phân tích rõ nhất là ở đom đóm (Lampyridae).
Chất tạo ra tia sáng được gọi là lucciferin. Nó được hình thành trong các tế bào đặc biệt của cơ thể côn trùng. Khi không khí đi vào theo khí quản sẽ xảy ra quá trình oxy hóa luciferin nhờ enzym laciferaza để trở thành oxyluciferin là dạng sẽ giải phóng năng lượng ánh sáng. Việc phát sáng này hầu như đạt hiệu quả rất cao, không tỏa nhiệt.
Người ta thấy rằng ở Đom đóm có từ 92 đến gần 100% vật chất được chuyển thành ánh sáng, trong khi ở khí đốt chỉ có 2%, ở điện là 10% và ánh sáng mặt trời là 35%. Nếu trong tương lai chúng ta tổng hợp được luciferin và học được cách tác động để giải phóng ra năng lượng ánh sáng thì sẽ có ánh sáng nhân tạo vừa rẻ, lại ứng dụng được vào nhiều lĩnh vực.
Cộng sinh để cùng sinh sản
Trong cuốn “Những điều kỳ lạ về sinh sản ở côn trùng” GS.TS. Nguyễn Viết Tùng – một trong những nhà côn trùng học xuất sắc của Việt Nam, đã giới thiệu sự hợp tác trong quá trình sinh sản giữa “muỗi mắt” (thật ra là loài ong nhỏ Blastophaga psenes) với hình thành các quả sung, quả vả (thực vật thuộc giống Ficus). Quả sung, quả vả là loại quả phức, do một cụm nhiều hoa nhỏ mọc chung trên một đế hoa biến đổi thành. Cụm hoa phát triển và cuốn vào bên trong giống như chiếc chén ôm gọn cả cụm hoa vào bên trong. Phần thịt quả ta thường ăn chính là đế cụm hoa. Vào mùa xuân, cây ra lứa quả “lép”, vì chúng rất bé, không ăn được. Trong lòng quả “lép” có cả hoa cái và hoa đực và hoa cái bao giờ cũng nở sớm hơn hoa đực để đón những con ong cái vừa kết thúc mùa đông đang hối hả tìm nơi đẻ trứng. Loại hoa cái này có vòi ngắn, phù hợp cho ong đẻ trứng.
Khi ấu trùng ong nở sẽ làm cho bông hoa phồng lên thành bướu nhỏ. Đến mùa hè, quả “lép” đã già và lứa ong đực trưởng thành, không cánh chui ra ngoài tìm bạn tình. Nhưng lúc này các ong cái có cánh vẫn bị nhốt trong các bướu nhỏ, vì không tự giải thoát được. Những con ong đực mạnh mẽ sẽ tìm đến, nhanh nhẹn khoét thủng vách bướu, rồi chui vào giao phối với ong cái. Sau khi giao phối con cái thoát ra ngoài qua lỗ con đực chui vào để tìm nơi đẻ trứng. Đúng lúc này các bông hoa đực của quả “lép” mới nở hoa và chúng luôn được bố trí ở chung quanh lỗ thoát ở rốn quả, nên khi ong cái loay hoay tìm đường ra ngoài đã được bôi đầy phấn hoa trên mình.
Còn ong đực sau khi làm tròn nhiệm vụ sẽ cùng quả “lép” tàn lụi dần trong lặng lẽ. Ong cái mang trên mình đầy phấn hoa sẽ tìm nơi để trứng vào đúng dịp cây ra lứa quả “mẩy”, ăn được. Điều lý thú là lúc này quả “mẩy”chỉ cho loại hoa cái (không có hoa đực) với vòi nhụy dài, không thích hợp cho ong đẻ trứng, làm cho ong loay hoay mãi và vô tình đã bôi hạt phấn lên tất cả các hoa cái mà chúng đi qua. Sau một thời gian “mang nặng” tìm “bệnh viện phụ sản”, rất may lúc này đã sang thu, đợt hoa quả “lép” lại bắt đầu và ong cái lại ào ạt tìm đến đẻ trứng. Lứa ong non lại qua đông, quả sung quả vả lại chín dần. Khép lại một chu kỳ và mở ra một chu kỳ sinh sản mới vào mùa xuân năm sau.
Người trồng cây ăn quả, nếu không biết được vai trò thụ phấn của côn trùng, cứ dùng thuốc trừ sâu sẽ giết côn trùng, làm giảm năng suất và chất lượng quả.
Không có loại thức ăn từ côn trùng, nhiều loài sẽ không sống được, vì không biết ăn các thức ăn khác. Chẳng hạn Tê tê, Heo vòi chỉ ăn mối, kiến. Chúng thường săn tìm các tổ mối, tổ kiến. Khi phát hiện ra tổ, chúng dùng móng vuốt phá một phần tổ để mối linh hay kiến xông ra. Lúc này, chúng dùng lưỡi dài đến 40cm có chất dính, quét qua lại để bắt mối, kiến. Tắc Kè, chim Yến không có côn trùng sẽ hạn chế sinh sản
GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam