Người đàn ông Trung Quốc khoe công nghệ "chống trời", cả thế giới kinh ngạc vì...

Nhìn lại quá trình chống sa mạc hóa đầy khó khăn, kỹ sư Đường Hi Minh cảm thấy tự hào khi chứng kiến sa mạc dần dần chuyển mình thành những vùng đất xanh tươi.

Khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, thành phố Trung Vệ nằm ở rìa sa mạc Tengger. Trước đây, nơi này thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão cát. Song giờ đây nhờ nỗ lực của nhiều thế hệ làm công tác chống sa mạc hóa trong 20 năm qua, số ngày có bão cát đã giảm từ hơn 300 ngày xuống còn hơn 100 ngày mỗi năm. Sa mạc Tengger cũng đã lùi xa 25 km so với thành phố Trung Vệ.

Ông Đường Hi Minh, kỹ sư trưởng của Cục Lâm trường Quốc gia Trung Vệ, người đã tham gia công tác chống sa mạc hóa trong suốt 34 năm, tự hào nói rằng: "Không có sa mạc nào mà tôi không thể thuần hóa". Sau nhiều năm đấu tranh với thiên nhiên, từ việc sử dụng phương pháp cố định cát bằng cỏ nhân tạo đến việc sáng chế các công cụ trồng cây, ông Đường đã đăng ký bằng sáng chế mới và áp dụng chúng tại Tân Cương, Cam Túc đồng thời nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia khác.

Kỹ sư Đường Hi Minh, người đàn ông đã có hơn 34 năm phủ xanh sa mạc.

Kỹ sư Đường Hi Minh, người đàn ông đã có hơn 34 năm phủ xanh sa mạc.

Ngày 23/9, sự kiện trao đổi truyền thông quốc tế "Đi bộ khám phá Trung Quốc năm 2024" đã mời các phóng viên từ 14 quốc gia ở châu Phi và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến thành phố Trung Vệ, khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, để tìm hiểu về các phương pháp tiên tiến trong việc phòng chống sa mạc hóa. Tại đây, họ được trải nghiệm phương pháp sử dụng cỏ để cố định cát và chứng kiến sự nỗ lực và thành tựu của Trung Quốc trong việc khống chế sa mạc.

Hơn một thập kỷ trước, khu vực Ninh Hạ với diện tích chỉ 66.400 km² bị bao vây bởi ba sa mạc lớn là sa mạc Mu Us, Tengger, và Ulan Buh. Khu vực Shapotou, nằm ở rìa đông nam của sa mạc Tengger, từng là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão cát và gió sa mạc. Chính vì thế, nơi đây có biệt danh là "Shapotou" (đầu cát).

Trong những năm đầu, bão cát ở đây vô cùng nghiêm trọng, cư dân địa phương sống trong cảnh "ăn cơm lẫn cát", "áo quần phủ đầy cát". Năm 1954, khi Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt Bao Lan (Bao Đầu - Lan Châu) dài 990 km nối giữa Tây Bắc và Bắc Trung Quốc, tuyến đường sắt này phải chạy qua khu vực sa mạc cằn cỗi. Đoạn đường sắt ở Shapotou phải đi qua những đụn cát cao hàng trăm mét, được xem là nhiệm vụ bất khả thi.

Công nghệ dùng cỏ sợi đan thành các ô vuông 1 mét x 1 mét để giữ cát.

Công nghệ dùng cỏ sợi đan thành các ô vuông 1 mét x 1 mét để giữ cát.

Tuy nhiên, các nhà khoa học từ Viện Khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng phương pháp sử dụng cỏ sợi đan thành các ô vuông 1 mét x 1 mét có tác dụng giữ cát tốt nhất. Phương pháp này đã giúp bảo vệ tuyến đường sắt Bao Lan suốt 60 năm mà không gặp sự cố nào. Phương pháp này cũng mở ra một tương lai khác cho khu vực Ninh Hạ.

Từ những năm 1950, thành phố Trung Vệ đã bắt đầu hành trình chống sa mạc hóa. Qua nhiều thế hệ, những người làm công tác chống sa mạc hóa đã không ngừng nỗ lực để cải tạo vùng đất này. Ông Đường Hi Minh, người sinh ra và lớn lên tại Trung Vệ, đã cảm nhận sâu sắc nỗi khổ của bão cát từ khi còn nhỏ. Ông nhớ lại rằng, có những đêm gió lớn thổi cả đống cát vào cửa, sáng hôm sau nhà ông không thể mở cửa vì cát đã chất cao.

Ông Đường chia sẻ rằng vào những năm 1970, có một trận bão cát kinh hoàng làm giảm tầm nhìn xuống dưới 50 mét. Lúc đó, ông đang học tiểu học và chứng kiến một bạn học của mình bị bão cát cuốn vào mương nước và qua đời. Ký ức đau buồn này đã thúc đẩy ông quyết tâm học tập để rời khỏi vùng đất đầy khó khăn này. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp Học viện Lâm nghiệp Tây Bắc vào năm 1991, ông đã quyết định trở về quê hương và cống hiến hơn 30 năm cuộc đời cho công tác chống sa mạc hóa tại Trung Vệ.

Khi bắt đầu công việc, Đường Hi Minh cùng thế hệ đi trước đã phát triển phương pháp đan cỏ sợi để cố định cát, giúp tạo thành rào chắn bảo vệ. Phương pháp này kết hợp với việc trồng cây trong các ô vuông cỏ sợi đã giúp xây dựng một hệ thống phòng chống sa mạc hóa bền vững, giúp giảm sự di chuyển của các đụn cát.

Nhờ có công nghệ mới, sa mạc ở Trung Quốc đang dần trở nên xanh tươi, tràn ngập sức sống.

Nhờ có công nghệ mới, sa mạc ở Trung Quốc đang dần trở nên xanh tươi, tràn ngập sức sống.

Ngày nay, công tác chống sa mạc hóa đã trở nên cơ giới hóa, giúp thay thế lao động thủ công. Một ngày, các máy móc có thể cố định cát trên diện tích hơn 40 mẫu Anh trong khi phương pháp thủ công chỉ có thể làm được 3 mẫu Anh. Năm 2017, ông Đường đã phát minh ra một công cụ trồng cây bằng sắt có hình dạng chữ "干", giúp tăng tỷ lệ sống sót của cây lên 25% và giảm chi phí lao động xuống một nửa. Nhiều người gọi đây là công nghệ "đối nghịch lại ý trời".

Đường Hi Minh cũng giải thích rằng phương pháp này giúp biến sa mạc thành ốc đảo. Trước tiên, họ tạo các ô cỏ sợi để giảm sự di chuyển của cát, sau đó khi có điều kiện nước tốt hơn thì trồng rừng kinh tế. Sau 5 năm, tỷ lệ phủ xanh đã đạt hơn 44%.

Đường Hi Minh tự hào nói: "Không có sa mạc nào mà tôi không thể thuần hóa!", đồng thời ông cũng cảm ơn sự nỗ lực của nhiều thế hệ người làm công tác chống sa mạc hóa. Nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ và máy móc, thành phố Trung Vệ đã biến 168.000 mẫu sa mạc thành vùng đất xanh, trong đó ông Đường và đội ngũ của mình đã cải tạo được hơn 73.000 mẫu. Công tác chống sa mạc hóa tại Trung Quốc cũng đã thu hút sự quan tâm và hợp tác của nhiều quốc gia, trong đó có Mông Cổ và các quốc gia Trung Đông.

Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến 76,9% diện tích của Mông Cổ bị sa mạc hóa, ảnh hưởng đến cả các quốc gia láng giềng như Trung Quốc. Năm 2021, Mông Cổ đã công bố kế hoạch "Trồng một tỷ cây xanh"để đối phó với tình trạng sa mạc hóa. Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ tích cực kế hoạch này và thành lập trung tâm hợp tác phòng chống sa mạc hóa giữa hai nước.

Theo Đời sống
back to top