Tương tác sai lệch giữa não và hệ tiêu hóa
Hội chứng ruột kích thích thường khởi phát ở lứa tuổi vị thành niên trở lên, gặp nhiều ở người trên 40 tuổi nhưng không loại trừ khả năng đến khi già, bệnh mới xuất hiện triệu chứng. Hội chứng ruột kích thích có thể được định nghĩa là bệnh tiêu hóa hoặc bệnh đường ruột, ảnh hưởng đến ruột già và dạ dày. Thức ăn trong đường tiêu hóa đi từ ruột non đến ruột già. Chức năng chính của ruột già là hấp thụ nước và đẩy phân ra nhờ các nhu động ruột. Ở những người mắc bệnh hội chứng ruột kích thích, nhu động ruột do cơ co thắt diễn ra bất thường. Cơ co thắt quá mức sẽ gây tiêu chảy. Ngược lại, cơ co thắt chậm hoặc ít sẽ dẫn đến táo bón.
Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng ruột kích thích đến nay chưa xác định rõ nhưng các nghiên cứu trong và ngoài nước cho thấy rằng, sự tương tác sai lệch giữa não và đường tiêu hóa là nguyên nhân gây ra triệu chứng co cơ bất thường, gây nên tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, nhiều người mắc hội chứng ruột kích thích do có ruột non nhạy cảm một cách bất thường. PGS.TS Trần Việt Tú, chuyên gia nội tiêu hóa, BV đa khoa Medlatec cho biết, bệnh đại tràng chức năng hay hội chứng ruột kích thích là bệnh thuộc rối loạn vận động tiết dịch cũng như cảm giác của đại tràng nhưng không có tổn thương thực thể. Hệ tiêu hóa là cơ quan đích lớn nhất của hệ thần kinh. ở nhóm người thần kinh yếu, thần kinh nghệ sĩ, nhóm bị xâm hại, nhóm có stress mãn tính dễ dẫn đến rối loạn vận động cảm giác, miễn dịch, tiêu hóa...Nhóm này dễ bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhưng xét nghiệm không có tổn thương, người ta gọi là mắc hội chứng ruột kích thích.
Ở một số người, hội chứng ruột kích thích có liên quan tới thực phẩm. Khi ăn một số thực phẩm không phù hợp, cơ thể dị ứng, không dung nạp lactose có thể gây triệu chứng ruột kích thích nghiêm trọng. Căng thẳng tâm lý hoặc ức chế tinh thần là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh. Những bệnh nhân nữ do thay đổi hormone; bệnh nhân ở cả hai giới nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như khuẩn salmonella, bị tác dụng phụ từ thuốc kháng sinh…có thể dẫn đến bệnh. Để chữa bệnh thực thể từ các nguyên nhân có thể can thiệp được thì dễ nhưng những người mắc bệnh do tâm lý thường phải điều trị lâu dài. Theo PGS.TS Trần Việt Tú, có 3 mức độ liên quan đến hội chứng ruột kích thích. ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể giải thích tâm lý để giải tỏa cho người bệnh. ở mức độ trung bình có thể phải can thiệp bằng tâm lý và thuốc điều trị triệu chứng. ở mức độ nặng, bác sĩ phải dùng biện pháp can thiệp như đối với bệnh nhân tâm thần. Hội chứng ruột kích thích do hệ thần kinh gây ra nên phải chữa bằng các liệu pháp tâm lý. Để giải quyết được bệnh, thông thường bác sĩ phải phối hợp điều trị triệu chứng và điều trị gốc gây ra nó, điều này có nghĩa phải dùng tâm lý liệu pháp và thuốc hướng thần.
Cẩn thận với đau, khó chịu ở bụng
Người mắc hội chứng ruột kích thích thường đầy hơi, đau bụng, táo bón, tiêu chảy hoặc xuất hiện cả hai. Người bệnh đặc biệt thấy khó chịu ở bụng, muốn đi ngoài ngay nhưng đi không hết phân. Triệu chứng này hay lặp lại và kéo dài, khi đi đại tiện xong thấy đỡ đau. Hội chứng ruột kích thích nhiều khi mơ hồ, khó chữa, bệnh đeo đẳng một thời gian dài khiến bệnh nhân thấy căng thẳng, càng căng thẳng bệnh càng nặng thêm. Để phòng ngừa hội chứng ruột kích thích cần coi trọng việc ăn uống đầy đủ, đúng giờ, không bỏ bữa. Việc bỏ bữa sẽ tạo khoảng trống cho khí tràn vào hệ tiêu hóa, gây nên cảm giác căng tức bụng và đầy hơi. Người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn đầy đủ, cân bằng, chú trọng chất xơ hòa tan có trong các loại rau, hoa quả, ngũ cốc và uống nhiều nước. Nên hạn chế thực phẩm có nhiều chất béo, đồ ăn cay nóng, đồ uống có cồn, có gas. Nên luyện tập thể thao, phòng tránh táo bón, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Việc vận động thường xuyên giúp máu lưu thông tốt đến tất cả bộ phận trên cơ thể làm giảm trầm cảm, căng thẳng, đồng thời kích thích các cơn co thắt bình thường của ruột.