Chỉnh liều hormon tuyến giáp thế nào cho đúng?

Không phải ai sau mổ tuyến giáp cũng cần phải uống hormon, việc điều chỉnh liều hormon sẽ theo 1 số đối tượng và cần đánh giá theo các thông tin sau:

Hỏi: Tôi mổ tuyến giáp cắt 1 thùy và eo bác sĩ không cho thuốc điều trị hormon tuyến giáp nhưng tôi thấy nhiều người mổ tuyến giáp lại dùng thuốc cả đời. Xin hỏi, việc uống thuốc này được chỉ định và điều chỉnh như thế nào cho đúng?

Nguyễn Thị Hằng (Hà Nội)

Trả lời: Với những người đã mổ tuyến giáp thì có một nỗi lo là sau này phải uống hormon cả đời, và phải định kỳ điều chỉnh liều sao cho phù hợp. Chính vì thế mới cần tới sự đồng hành của bác sĩ cùng với người bệnh, để mọi người được hỗ trợ khi cần thiết, và cảm thấy yên tâm hơn.

Tuy nhiên, không phải ai sau mổ tuyến giáp cũng cần phải uống hormon, việc điều chỉnh liều hormon sẽ theo 1 số đối tượng và cần đánh giá theo các thông tin sau:

Tình trạng sức khỏe, triệu chứng khó chịu của cường giáp hay suy giáp, tăng cân hay giảm cân cũng cần lưu ý.

Chỉ số về chức năng tuyến giáp: FT4, T3 và đặc biệt là TSH (hormon kích thích tuyến giáp được sản xuất từ tuyến yên, phản ánh sớm về tình trạng cường hay suy giáp).

Không bao giờ chỉ điều chỉnh dựa vào chỉ số xét nghiệm đơn thuần.

Đối với các trường hợp đã phẫu thuật cắt 1 thùy + eo, giữ lại 1 thùy: Đa phần không phải uống hocmon cả đời, vì 1 thùy giáp có thể đủ sản xuất hocmon theo nhu cầu của cơ thể.

Không cần phải duy trì TSH ở mức độ thấp với hy vọng giảm nguy cơ tái phát, vì nhiều nghiên cứu đã cho thấy nó ít hiệu quả với nhóm bệnh nhân cắt bán phần. Vậy mục tiêu chỉ cần đảm bảo sao cho TSH trong ngưỡng bình thường là được.

Đối với trường hợp đã cắt toàn bộ tuyến giáp, Cần duy trì hormon cả đời. Mục tiêu TSH cao thấp dựa vào tình trạng nguy cơ tái phát của người bệnh.

Nguy cơ tái phát thấp: TSH từ 0.5-2

Nguy cơ tái phát trung bình: TSH từ 0.1-0.5

Nguy cơ tái phát cao: TSH dưới 0.1

Đó là theo khuyến cáo, duy trì TSH thấp giúp ức chế sự tái phát, nhất là ở những ca bệnh nguy cơ tái phát cao và trung bình.

Khám định kỳ bác sĩ sẽ điều chỉnh liều theo mục tiêu TSH cần ức chế và theo tình trạng bệnh.

Tuy nhiên, cần lưu ý điều này là tương đối, chứ không nhất thiết cứ phải TSH thấp lẹt đẹt thì mới tốt, bệnh nhân cần phải đảm bảo tình trạng sức khỏe đặc biệt là tim mạch. Khi chưa biết giảm nguy cơ tái phát thế nào mà tim đã suy, xương đã loãng thì không tốt cho sức khỏe.

Phụ nữ có thai, đã cắt bán phần hoặc toàn bộ tuyến giáp cần theo dõi định kỳ như người bình thường. Nhưng khi biết có thai thì cần xét nghiệm lại ngay và điều chỉnh liều. Mục tiêu đảm bảo không thiếu hocmon ảnh hưởng cho cả mẹ và bé.

TSH được khuyến cáo ở mức dưới 2.5 trong nửa đầu thai kỳ, sau đó duy trì trong ngưỡng, dưới 3.5 cho tới lúc sinh.

Ngay khi biết có thai cần chủ động tăng liều ngay theo hướng dẫn của bác sĩ. Kể cả trước đó chưa uống hormon thì cũng cân nhắc uống khi có thai.

***ThS.BSNT Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top