Theo TS Bùi Mạnh Tú, Khoa Công nghệ Năng lượng, trường Đại học Điện lực, môi chất lạnh có nhiệm vụ vận chuyển nhiệt từ nơi có nhiệt độ thấp (trong nhà) để thải ra nơi có nhiệt độ cao hơn (ngoài trời). Một chất được sử dụng làm môi chất lạnh phải đáp ứng được rất nhiều yêu cầu về tính chất hoá học, lý học, sinh lý học và tính kinh tế như nhiệt độ sôi thấp, ít độc hại, dễ vận chuyển, bảo quản,…
Các Freon, được biết đến là tên thương mại của các chất làm lạnh do hãng Dupoint sản xuất, sau này trở thành tên gọi chung cho rất nhiều loại ga được dẫn xuất từ Hydrocarbon, trong đó người ta thay thế các nguyên tử Hydro bằng các nguyên tử Flo, Clo và Brom. Khi số nguyên tử thay thế khác nhau tạo nên rất nhiều Freon khác nhau, có ký hiệu khác nhau và có vùng nhiệt độ và mục đích sử dụng cũng khác nhau.
Với các gas lạnh Freon, có thành phần Clo là nguyên nhân phá huỷ tầng ozone. Gas lạnh thoát ra ngoài, bay lên tầng bình lưu, theo thời gian bị phân hủy ra Clo; thành phần Clo này phân hủy ozone (O3) thành O2 và nguyên tử đơn O.
Khi đó, tầng ozone bị phá hủy, không ngăn được bức xạ, các tia cực tím tới trái đất, kết hợp với hiệu ứng nhà kính, gây các tác động có hại cho con người và môi trường sống, đồng thời làm tăng lượng nhiệt đến Trái Đất, làm tăng nhiệt độ toàn cầu, dẫn đến các nguy cơ tan băng, dâng cao mực nước biển, gây lũ lụt…
Các loại gas lạnh phổ biến đã và đang dùng: CFC là các hyđrocacbon có thành phần Clo và Flo, CFC phá hủy tầng ozone mạnh, đã bị cấm từ năm 1996; HCFC có các thành phần Hydro, Clo và Flo, phá hủy tầng ozone ít hơn; HFC gồm các thành phần Hydro và Flo, không phá hủy tầng ozone, nhưng gây hiệu ứng nhà kính.
Vì nguyên nhân này, nên cần phải tìm ra các loại gas lạnh mới, vừa đảm bảo được các yêu cầu về làm lạnh, vừa thân thiện với môi trường. Chất làm lạnh tự nhiên (HC) chỉ có thành phần tự nhiên là Hydro, ít tác động đến môi trường; nhưng nhược điểm của HC là nguy cơ cháy nổ rất cao. Nếu khắc phục được nhược điểm này, thì HC sẽ là chất làm lạnh lý tưởng trong tương lai.
An Lê