Bát nước đa năng
Chị Trần Bích Vân (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, gần đây nghe mấy người bạn giới thiệu về một mẹo vặt giúp rau quả trong tủ lạnh tươi lâu đồng thời tiết kiệm điện tủ lạnh nên chị cũng áp dụng thử xem sao. Theo đó, trước khi đi ngủ vào ban đêm, lấy một bát hoặc khay nước, đặt trong ngăn đá tủ lạnh. Sáng sau khi ngủ dậy, lấy bát nước đã đông lạnh ở ngăn đá đó lên để ở ngăn mát. Lặp lại cách này hàng ngày.
“Khi bạn hiểu được nguyên lý làm mát của tủ lạnh, bạn sẽ hiểu rõ ưu điểm của cách làm này. Khi để khay/bát nước đông đá trên ngăn mát, chúng sẽ tự rã đông dần dần cho đến khi tan hết. Từ đó cung cấp khí mát mà không cần phải dùng đến điện để làm mát ngăn bảo quản này. Vì vậy tủ lạnh sẽ không phải tiêu hao quá nhiều điện năng.
Ngoài ra, trong quá trình rã đông trong ngăn mát, bát nước này cung cấp nước “tươi” cho thực phẩm, khiến rau quả không bị héo nhanh, đỡ bị mất nước, duy trì được độ tươi ngon, kéo dài thời gian bảo quản, đạt được mục đích cao nhất là làm tươi thực phẩm trong thời gian dài hơn”, chị Vân chia sẻ.
Nhận định về mẹo vặt này, GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện KHCN Nhiệt lạnh, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng đặt bát nước vào tủ lanh như vậy không có tác dụng gì. Tủ lạnh thông thường được chia làm 4 ngăn. Ngăn trên cùng là ngăn kết đông, có nhiệt độ từ -6 đến -24 độ C dùng để làm đá, tích trữ thực phẩm đông lạnh dài ngày.
Sát ngăn kết đông có nhiệt độ từ 1-2 độ C thường dùng để đồ ăn/uống lạnh như bơ, sữa và thức ăn chín. Ngăn tiếp theo có nhiệt độ từ 2-3 độ C dùng để bảo quản thức ăn sống như cá, thịt. Ngăn cuối cùng thường có nắp đậy kín để tích trữ rau quả, có nhiệt độ từ 7-10 độ C.
“Để bát nước đá vào tủ lạnh không có tác dụng gì vì đa phần mọi người để rau quả trong tủ lạnh phải là rau củ tươi, và luôn bọc kín. Hơi nước nếu có cũng không tác động được vào. Hơn nữa đá tan ra khiến nhiệt độ xung quanh dao động giảm một vài độ cũng không có ý nghĩa gì.
Thiết kế của chiếc tủ lạnh đã tính đến tối ưu việc bảo quản thực phẩm. Và chắc chắn, bát nước không giúp tiết kiệm điện”, GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết.
Tận dụng thực phẩm đông lạnh
Theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, tất cả các chi tiết, tính năng của tủ lạnh được thiết kế để phù hợp với việc bảo quản thực phẩm, việc “cải tiến” tính năng của chúng không có tác dụng, thậm chí còn gây hại. Bởi nếu tủ lạnh ẩm ướt thường xuyên mà không được lau dọn vệ sinh thì sẽ là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, vi sinh vật phát triển.
Rau củ nếu trước khi bảo quản mà bị héo thì chắc chắn không có cách gì giúp chúng tươi được. Hơn nữa, bát nước thậm chí còn làm tốn một khoản điện năng kha khá để đông đá. Do đó, lợi chưa thấy nhưng hại đã rõ trước mắt.
Để tận dụng hơi lạnh của thực phẩm hạn chế tiêu hao nhiệt năng dẫn đến tiết kiệm điện, theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, khi lấy thực phẩm cấp đông từ trong ngăn đá để sử dụng, tốt nhất là để rã đông từ từ ở ngăn mát tủ lạnh.
Ví dụ như ngày mai mới dùng đến thì hôm nay để thực phẩm xuống ngăn mát. Rã đông càng chậm thì chất lượng sản phẩm càng ít bị ảnh hưởng. Thực phẩm cấp đông mà lấy ra rồi cho vào lò vi sóng rã đông ngay hoặc ngâm nước nóng cho mềm ra thì vừa tốn điện, lại vừa làm cho các thành phần có trong thực phẩm bị biến chất.
Khi sử dụng tủ lạnh nên lưu ý, không để quá nhiều hoặc quá ít thực phẩm. Cách tốt nhất để giữ tủ lạnh chạy ổn định, tiết kiệm điện là tủ chứa khoảng 70-80%. Giữa các phần thực phẩm nên để có khoảng cách để chúng tiếp nhận hơi lạnh của tủ.
Theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, tủ lạnh nên được đặt cách xa vị trí các nguồn sinh nhiệt, không để cạnh bếp nấu ăn, tránh ánh nắng trực tiếp bởi nhiệt độ tăng sẽ làm tiêu thụ điện năng nhiều hơn.
Bảo Khánh