Omega-3 cao hơn cả cá hồi
Hạt chia là hạt của cây chia, tên khoa học là Salvia hispanica L., thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Từ xưa, người Aztec và Maya (ở Trung Mỹ) đã biết trồng cây chia lấy hạt để ăn, đặc biệt làm thực phẩm trợ sức cho các chiến binh khi ra trận, cho những cuộc viễn chinh, hoặc những cuộc đi săn dài ngày.
Nó cũng được sử dụng trong các lễ hội lịch sử, các nghi lễ tôn giáo tượng trưng cho sức mạnh và tuổi thọ của người Aztec. Nước ta không có cây này, nên hạt chia bán trên thị trường là sản phẩm nhập từ nước ngoài.
Gọi là “hạt”, nhưng thực ra đó là một “quả bế” của cây chia, có hình bầu dục, kích thước chỉ bằng nửa hạt vừng (mè), màu nâu hoặc trắng, vỏ hạt bóng, có điểm các vết màu nâu sẫm nằm rải rác, không có mùi vị.
Theo một số tài liệu, hạt chia có chất béo, protein, chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin… với hàm lượng gồm: Axit béo omega-3 cao hơn 7 – 8 lần so với cá hồi, không chứa cholesterol, giúp bảo vệ tim mạch. Protein chiếm 19 – 23%, cao hơn nhiều so với các loại ngũ cốc như lúa mỳ (13,7%), ngô (9,4%), gạo (6,5%), yến mạch (16,9 %) và lúa mạch (12,5%).
Chất xơ cao gấp 1,6 lần lúa mạch, 2,6 lần, yến mạch, 2,3 lần, lúa mỳ, 8,3 lần ngô và 9,8 lần gạo. Chất sắt cao gấp 2 – 3 lần rau bina (cải bó xôi), 1,8 lần đậu lăng và 2,4 lần gan bò. Lượng canxi cao gấp 5 – 6 lần so với sữa. Chất selen cao gấp 3 lần hạt lanh, magiê cao gấp 14 lần so với bông cải xanh. Nhiều loại chất khoáng và vitamin, đặc biệt hàm lượng các vitamin B khá cao.
Chất béo omega-3 trong hạt chia cao hơn 7 – 8 lần so với cá hồi
Công dụng với sức khoẻ
Với thành phần dinh dưỡng như vậy, hạt chia có các tác dụng sau đây.
Tốt cho người bị bệnh tiểu đường: Giúp giảm bớt cảm giác thèm đồ ngọt, ổn định lượng đường trong máu.
Tốt cho tim mạch: Do có chứa hàm lượng lớn chất omega-3 mà cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được, chất này có lợi trong việc làm giảm lượng cholesterol xấu, duy trì chức năng của tim mạch. Hạt chia còn giúp lưu thông máu, phòng chống xơ cứng mạch và bệnh đột quỵ.
Tốt cho tiêu hóa: Do có chứa chất xơ cao hơn các loại thực phẩm khác nên giúp cho bộ máy tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, kể cả ung thư ruột già, đồng thời chống được bệnh táo bón. Hạt chia giúp bổ sung năng lượng để cơ thể vận động mà không cần ăn quá nhiều, loại bỏ lượng mỡ dư thừa trong cơ thể, nên nó còn giúp giảm cân và chống béo phì.
Chống lão hóa: Thực phẩm này có hàm lượng protein cao, chứa nhiều vitamin và chất khoáng, chất chống oxy hóa, giúp loại bỏ gốc tự do có hại trong cơ thể, chống lão hóa và làm đẹp da, mượt tóc. Với những người ăn chay có thể sử dụng hạt chia để bổ sung dưỡng chất như protein và các loại khoáng chất cần thiết.
Tốt cho hệ thần kinh: Do có chứa lượng omega-3 cao, nên giúp tái tạo hệ thống tế bào thần kinh, tốt cho trí não. Vì thế, người già và trẻ nhỏ nên sử dụng loại thực phẩm này.
Cách dùng: Lấy khoảng 1 thìa canh hạt chia cho vào nước lọc hoặc nước ép trái cây, quấy đều để hạt chia nở ra và không vón cục. Sau khoảng 10 – 15 phút là có thể uống được. Cũng có thể thêm hạt chia vào cà phê, ca cao, sữa chua hay bất kỳ loại nước uống nào khác.
PGS.TSKH Trần Công Khánh
(Giám đốc Trung tâm Cây thuốc Việt Nam)