Cha hút thuốc con yếu tinh trùng, suy giảm buồng trứng

(khoahocdoisong.vn) - Nam giới hút thuốc không chỉ khiến bản thân yếu tinh trùng, di chứng này còn xuất hiện ngay trên con trai của mình. Điều này cũng cảnh báo phụ nữ mang thai cần tránh xa các nguồn có khói thuốc để bảo vệ sức khỏe sinh sản con cái sau này.

Thuốc lá gây đột biến gen tinh trùng

Nghiên cứu ở Thuỵ Điển được đăng trên tập san nổi tiếng PLOS ONE đánh giá tinh trùng của 104 thanh niên Thuỵ Điển từ 17 đến 20 tuổi, sau đó đối chiếu việc hút thuốc từ những người cha trong thời gian thụ thai các thanh niên này.

Nghiên cứu cũng đo nồng độ các chất có nguồn gốc nicotine có trong máu mẹ vào thời điểm mang thai (máu lưu trữ khoảng 20 năm trước trong lúc khám thai).

Kết quả cho thấy nam giới có cha hút thuốc, tinh trùng giảm cả về mật độ lẫn số lượng. Mật độ giảm 41%; tổng số tinh trùng giảm 51% so với nam giới có cha không hút thuốc.

Các tác giả lập luận: khi nam giới hút thuốc trong giai đoạn thụ thai, khói thuốc có thể gây đột biến một số gen ở tinh trùng. Phôi thai hình thành mang sẵn những gen này. Khi các bé trai lớn lên, khả năng sản xuất tinh trùng suy giảm do thừa hưởng các gen đột biến từ cha hút thuốc.

Giải thích này cũng trùng hợp với một số nghiên cứu khác từng cho biết nam giới hút thuốc, tinh trùng có DNA bị đứt gãy nhiều hơn. Nó cũng củng cố thêm cho các nghiên cứu trước đây chứng minh con gái có cha hút thuốc, dự trữ buồng trứng giảm nhanh hơn các phụ nữ bình thường.

Đây cũng có thể là nguyên nhân quan trọng làm tình trạng hiếm muộn có xu hướng ngày càng gia tăng trên thế giới, trong đó có vấn đề suy giảm số lượng tinh trùng của nam giới đang được báo động.

Trao đổi về vấn đề này, ThS.BS Hà Ngọc Mạnh, Khoa Nam học, Bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn Việt Bỉ cho hay, “Nghiên cứu trên khai thác tiền sử bố có hút thuốc trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, trong đó chưa chỉ rõ các yếu tố nhiễu như nhóm thanh niên đó có hút thuốc thực sự hay có hút thuốc thụ động trong quá trình sống với bố mẹ hay không. Tuy nhiên kết quả này cũng đưa ra được cảnh báo tránh dùng thuốc lá chủ động (mẹ hút) hoặc bị động (bố, người bên cạnh hút) trong thời kỳ mang thai”, BS Hà Ngọc Mạnh nói.

Đối với nước ta, hiện nay tỉ lệ vô sinh xuất phát từ nam giới chiếm khoảng 40%, tương đương nữ giới. Trong đó, với nam, tinh dịch đồ có vấn đề chiếm đa số. Còn nữ, suy giảm buồng trứng có tỉ lệ chiếm khoảng 50% trong tổng số ca.

Hút thuốc dẫn đến yếu sinh lý đã được đánh giá khá nhiều. Khói thuốc không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, sinh ra các bệnh lý lâu dài liên quan phổi, hô hấp, tim mạch… còn khiến tinh trùng yếu, một trong những nguyên nhân dẫn đến vô sinh.

Chất lượng tinh trùng liên quan gen di truyền

ThS.BS Hà Ngọc Mạnh cho hay, bỏ thuốc ít nhất 3 đến 6 tháng sẽ giúp nam giới cải thiện chất lượng đáng kể là một trong những yếu tố được các bác sĩ điều trị hiếm muộn luôn đặt ra với các bệnh nhân. Bởi khi hút thuốc, nam giới không những suy giảm khả năng sinh tinh còn khiến tình trùng có nhiều đột biến, yếu, dị tật… Nếu sinh con trong tình trạng ông bố nghiện thuốc lá, con có nguy cơ sẽ yếu hơn so với những trẻ có bố không hút thuốc. Điều này có những tương tự với nghiên cứu đã được chỉ ra trên.

Ngoài ra, vị chuyên gia về nam học cũng nhấn mạnh, tinh trùng yếu của nam giới cũng liên quan đến gen di truyền. Khi người bố bị tinh trùng kém, người con trai cũng có nguy cơ tương tự. Vì thế, trong các trường hợp, người bố cần bảo vệ chính mình nhưng cũng là bảo vệ con cái mình tránh “vết xe đổ”.

“Các đoạn gen sinh tinh nằm trên nhiễm sắc thể Y (nhánh dài) do bố truyền cho con trai. Nếu mất các đoạn gen này, khả năng sinh tinh giảm xuống hoặc mất hẳn gây không có tinh trùng”, ThS.BS Hà Ngọc Mạnh nhấn mạnh.

 Hiện nay chưa rõ cơ chế thuốc lá ảnh hưởng đến sự yếu tinh trùng của người con nhưng đây là cảnh báo tốt để chúng ta có những thế hệ nam giới khỏe mạnh về sức khỏe sinh sản, giảm tỉ lệ vô sinh, bảo vệ hạnh phúc các gia đình. Không chỉ các ông bố nói không với hút thuốc lá. Các bà mẹ cũng cần tránh xa khói thuốc để giúp con hoàn thiện hơn ngay từ trong bào thai.

Theo Đời sống
back to top