Lá tre (trúc diệp) tác dụng thanh nhiệt, hạ sốt, giảm nôn, cầm huyết, giải cảm cảm nhiệt, ôn bệnh… Chữa trị nóng sốt, cảm nắng, cảm ho,viêm nhiễm đường hô hấp, sốt cao phiền nhiệt.
Tài liệu gần đây cho thấy, lá tre chứa nhiều chất khoáng như selenium, silic, magnesium, kalium, calcium… là chất bù lại sự mất nước và muối khoáng do ra nhiều mồ hôi. Liều dùng tươi 50 – 100g, khô liều 1/2 sắc uống,
Tinh cây tre (trúc nhự) cạo lớp vỏ ngoài cây tre tác dụng thanh nhiệt, trừ phiền. Chữa trị nóng sốt, buồn nôn, xuất huyết, chảy máu cam, tiểu ra máu, băng huyết. Dùng 15 – 20g tẩm nước gừng sao qua sắc uống.
Chữa miệng, lưỡi lở loét: Lấy lá tre 12g, sinh địa 12g, mộc thông 9g, cam thảo 6g sắc uống. Còn nếu tiểu ra máu do nhịêt, nên dùng lá tre, mạch môn, mã đề, rễ cỏ tranh, lá thà lài tía, râu ngô mỗi thứ 20g, cho 600ml nước, sắc lấy 300ml, chia 2 lần uống trong ngày.
Trị kinh nguyệt ra nhiều: Phụ nữ bị kinh nguyệt ra mãi không ngừng lấy 10 – 15g tinh tre sao qua, tán nhỏ, rồi uống với nước ấm ngày 2 lần.
Chữa triệu chứng sốt cấp tính, miệng khô khát: Lá tre 12g, thạch cao 12g, bán hạ 4g, nhân sâm 2g, cam thảo 1,5g, gạo tẻ (ngạch mễ) 7g, mạch môn 8g. Cho 600ml nước, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Chữa ho khan, cổ họng khô và ngứa: Lá tre 12g, rau má 12g, rễ dâu 12g, quả dành dành (sao vàng) 8g, cam thảo 6g, sắc lấy 200ml uống hết một lần vào lúc đói. Ngày uống một thang, mỗi thang sắc uống 2 lần.
Lương y Chu Văn Tiến
(Hội Đông y Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)