Tư vấn dùng thuốc online: Rủi ro tiềm ẩn

Sáng nay, nhận được tin nhắn inbox của một người bệnh gửi thông tin nhờ tư vấn dùng thuốc nhưng mình phải từ chối và khuyên họ nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ đang điều trị hoặc gặp trực tiếp dược sĩ để trao đổi kỹ hơn về nhiều vấn đề liên quan.

Có khá nhiều người nhờ mình tư vấn dùng thuốc online như thế nhưng đa số trường hợp mình đều không hồi âm hoặc hồi âm là mình không tư vấn được, hay đơn thuần là tư vấn người bệnh nên đi khám bác sĩ hoặc dược sĩ của mình để được tư vấn kỹ hơn.

Cách đây không lâu, có một người bạn là dược sĩ đang nằm viện điều trị bởi bác sĩ đã inbox với mình và chia sẻ là bạn ấy không đồng tình với cách dùng thuốc của bác sĩ và hỏi ý kiến cá nhân mình. Mình chỉ trả lời là bạn ấy có thể chủ động trao đổi với bác sĩ điều trị. Mình không đọc được bệnh án của bạn ấy, không trao đổi trực tiếp với bác sĩ bạn ấy nên không thể đưa ra ý kiến chuyên môn được.

Người bệnh cần được dược sĩ tư vấn trực tiếp.

Lý do mình làm thế không phải ích kỷ hay kiêu căng mà là muốn tốt cho người bệnh. Bởi muốn tư vấn được, người dược sĩ phải mất rất nhiều thời gian thu thập thông tin đầy đủ của bệnh nhân (tuổi, giới, triệu chứng, chẩn đoán của bác sĩ, các thuốc từng uống, đang uống, tiến triển, liều lượng, cách uống….); kế đến phải mất rất nhiều thời gian để tra cứu, nếu phát hiện bất cứ điều gì nghĩ là cần thay đổi về cách dùng thuốc, phải điện trao đổi với bác sĩ, điều dưỡng trước khi trao đổi với bệnh nhân.

Đối với dược sĩ lâm sàng thì cần tuân thủ nguyên tắc khi tư vấn là chỉ thực hiện khi hiểu rõ được đầy đủ thông tin về bệnh và thuốc của bệnh nhân; trực tiếp quan sát được các biểu hiện lâm sàng, có thể đọc thêm được các thông tin trực tiếp từ đơn, hay bệnh án, có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ hay điều dưỡng đang điều trị bệnh nhân… để hiểu rõ về bệnh cảnh và điều trị.

Dược sĩ không thể đơn thuần dựa vào những gì bệnh nhân kể và đơn thuốc rồi tự ý tư vấn thay đổi cách dùng thuốc nếu chưa trao đổi với bác sĩ của bệnh nhân. Nếu cần thì khuyên bệnh nhân nên trao đổi lại với bác sĩ để đạt được sự đồng thuận trong các lựa chọn điều trị.

Dược sĩ không có quyền tự ý tư vấn khác với đơn thuốc đã kê của bác sĩ, chỉ có quyền không bán đơn nếu cảm thấy đơn có vấn đề hoặc đề xuất thay đổi với bác sĩ. Và bác sĩ vẫn là người cuối cùng quyết định.

Nhớ thời kỳ 4 năm học ở Pháp, mình thấy việc tư vấn dùng thuốc cụ thể cho từng bệnh nhân chỉ được tiến hành khi dược sĩ gặp trực tiếp bệnh nhân. Ở bệnh viện thì sau khi đã đọc bệnh án, phỏng vấn bệnh nhân, trao đổi với bác sĩ, điều dưỡng…

Ở nhà thuốc thì việc phân tích kĩ đơn thuốc chỉ sau khi phỏng vấn bệnh nhân, tra cứu được hồ sơ dùng thuốc điện tử 3 tháng gần đây của bệnh nhân lưu trong thẻ bảo hiểm, nếu phát hiện vấn đề thì gọi điện cho bác sĩ điều trị để trao đổi… Dược sĩ không thể đơn phương tư vấn khác với đơn thuốc mà không báo lại cho bác sĩ điều trị.

Và các trang y tế hay cán bộ y tế tư vấn qua mạng ở nước ngoài thường chỉ cung cấp thông tin tư vấn chung chung, tư vấn các nguyên tắc cơ bản. Thông thường, các thông tin tư vấn online không đưa ra các thông tin tư vấn quá chi tiết hoặc mang tính khẳng định hoàn toàn mà thường đưa ra một cách thận trọng dưới dạng cân nhắc nhiều khả năng, giả thuyết khác nhau và luôn kèm câu sau: “Bạn cần được tư vấn trực tiếp bởi bác sĩ và dược sĩ của bạn”.

Tư vấn online tiềm ẩn nguy cơ rủi ro và tư vấn sai rất cao vì đơn giản nhân viên y tế khó nắm bắt được đặc điểm bệnh nhân là thế nào. Nên khi mình thấy nhiều bạn dược sĩ trẻ có ý tưởng xây dựng các trang web với dịch vụ tư vấn đơn thuốc online, cá nhân mình không nghĩ đây là dịch vụ tư vấn thuốc an toàn.

Vai trò tư vấn dùng thuốc của dược sĩ lâm sàng ở Việt Nam đôi khi đi theo 2 thái cực: Thái cực âm là dược sĩ không tư vấn kĩ đơn thuốc của bác sĩ đã kê hay không có khả năng phát hiện được vấn đề trong đơn thuốc cũng như trao đổi với bác sĩ để đạt sự đồng thuận; thái cực dương là dược sĩ đôi khi “lộng quyền” tư vấn quá thẩm quyền của dược sĩ, tự ý tư vấn thay đổi sử dụng thuốc khác với đơn của bác sĩ mà không thông báo lại với bác sĩ… Cả hai thái cực này đều gây những bất lợi nhất định cho người bệnh.

Theo TS.DS. Võ Thị Hà (SKĐS)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top