Ảnh minh họa.
30 – 70% biến chứng đái tháo đường liên quan đến tăng huyết áp
Tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) có thể là hai bệnh độc lập, nhưng cũng có thể là hai bệnh độc lập, nhưng cũng có thể có mối liên quan. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, hai bệnh này thường kết hợp với nhau và tỷ lệ bệnh luôn tăng theo lứa tuổi.
Người ta cũng thường gặp tỷ lệ THA ở người ĐTĐ cao gấp 2 lần so với người bình thường. THA ở người ĐTĐ được đặc trưng bằng: Tăng thể tích huyết tương, tăng giữ muối, tăng sức cản của mạch ngoại vi, hoạt tính renin trong huyết tương thấp, kháng insulin, tăng insulin máu…
THA và ĐTĐ đều là yếu tố nguy cơ cho bệnh lý mạch máu. Ước tính 30 – 70% biến chứng ĐTĐ có liên quan đến bệnh lý của THA. Các yếu tố nguy cơ với bệnh lý mạch máu thường gắn bó với nhau là tăng huyết áp, tuổi tác, các stress, nồng độ cholesterol máu tăng, hút thuốc… càng nhiều yếu tố, mức độ nguy cơ càng cao.
Dù người bệnh ĐTĐ ở các typ khác nhau, nhưng khi có THA đều làm tiên lượng bệnh xấu rõ rệt. Tuy nhiên cũng có những khác biệt đó là: Ở người bệnh ĐTĐ tuýp 1 có tăng huyết áp thường là trong tiền sử gia đình có người có biến chứng mạch máu; Người bệnh ĐTĐ tuýp 1 có tăng huyết áp không kiểm soát tốt mức glucose máu thường kèm theo các biến chứng thần kinh, trong khi ĐTĐ tuýp 2 THA là yếu tố nguy cơ cho bệnh lý thần kinh và mạch máu. Nguy cơ biến chứng thần kinh càng cao nếu có thêm tăng cholesterol máu và HbA1c.
Điều trị phòng bệnh cho cả bệnh máu máu nhỏ
Chiến lược điều trị THA ở người bệnh ĐTĐ nếu về khía cạnh coi THA như là một yếu tố nguy cơ, thì can thiệp tốt và kịp thời sẽ đem lại kết quả phòng bệnh cho cả bệnh mạch máu nhỏ và lớn. Nếu điều trị tốt có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển và biến chứng của bệnh ĐTĐ.
Đã có tác giả cho rằng, việc kiểm soát tốt huyết áp thậm chí còn quan trọng hơn cả kiểm soát glucose máu. Mục đích điều trị THA ở người ĐTĐ là đưa huyết áp ≤ 130/85mmHg, đối với suy thận huyết áp ≤ 125/75mmHg; Để phòng tăng tỷ lệ bệnh và tỷ lệ tử vong; Giảm yếu tố nguy cơ mạch vành; Giảm biến chứng vi mạch; Không gây ảnh hưởng đến việc kiểm tra glucose máu, mỡ máu và các hằng số sinh học khác; Ổn định lâu dài.
Để kiểm soát được THA, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là dùng thuốc, liệu pháp tốt nhất là phối hợp nhiều loại thuốc. Với các thể THA nhẹ và trung bình có thể sử dụng các biện pháp không dùng thuốc trong 3 tháng. Sự thay đổi về phong cách và lối sống không chỉ làm hạ huyết áp mà còn góp phần điều hòa mức glucose máu, giảm nguy cơ bệnh lý mạch vành.
Cách thực hiện: Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý để giảm cân nặng nếu bệnh nhân tăng cân hoặc béo phì, ăn nhiều chất xơ, giảm mỡ, giảm muối, tăng carbohydrat. Đặc biệt, cần có chế độ luyện tập hợp lý có thể tập aerobic 3 – 4 lần/tuần; Hạn chế uống rượu bia và các thói quen có hại khác.
Khi dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ phải đảm bảo nguyên tắc: Lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho từng cá nhân; Thuốc không được ảnh hưởng đến việc kiểm soát glucose máu, lipit máu hoặc các hằng số sinh học khác, không được có quá nhiều tác dụng phụ…
PGS.TS Tạ Văn Bình
(nguyên Giám đốc Bệnh viẹn Nội tiết T.Ư)