TS Thang Văn Phúc |
Barie cản trở sự phát triển
Một vấn đề thu hút sự quan tâm, có tác động trực tiếp đến hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức khi vừa qua Bộ Nội vụ đã đề xuất Thủ tướng bãi bỏ 17 loại chứng chỉ với công chức, 87 chứng chỉ với viên chức, trong đó có cả chứng chỉ ngoại ngữ và tin học. Ông thấy sao về đề xuất này?
Có thể nói, chứng chỉ cũng là một barie, một chướng ngại vật trên con đường phát triển, thăng tiến trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Nói cách khác, chứng chỉ như một loại “giấy phép con”. Đã đến lúc cần phải tính tới hiệu quả và tính thực tiễn trong công việc.
Vì yêu cầu về tin học, ngoại ngữ, có phải công chức nào cũng cần đâu? Trong khi đó, ngày xưa chúng ta cứ đặt ra các loại chứng chỉ, buộc mọi người phải chuẩn bị sẵn mà không biết bao giờ dùng đến. Đó cũng là một sự lãng phí, căng thẳng, nặng nề cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Với những ngành nghề cần đến ngoại ngữ, tin học, khi tuyển dụng người ta đã đặt ra điều kiện, tiêu chí rồi. Cho nên, cái cần để phục vụ công vụ, công việc, phục vụ cho vị trí việc làm của họ thì họ phải tự có rồi.
Ở nhiều nền công vụ khác, khi tuyển dụng, bố trí vào một vị trí hay thi tuyển vào chức danh, chức nghiệp nào đó, họ đã phải chuẩn bị qua thi tuyển. Vì thế, chúng ta cũng không nên duy trì các loại chứng chỉ lâu nay, làm cho quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức thêm nặng nề, nhất là những chứng chỉ chẳng dùng tới. Ví dụ như vùng sâu, vùng sa, có mấy khi họ dùng ngoại ngữ đâu. Trong khi đó, người ta lại cần dùng tiếng dân tộc mới thiết thực, cần thiết. Cũng có thời kỳ vào đầu những năm 2000 đã có đề xuất, những ai thực hiện nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng mà người dân tộc thiểu số sinh sống thì dùng tiếng dân tộc thay cho ngoại ngữ. Vì tiếng đó thiết thực hơn.
Quyết định mang tính cách mạng
Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng, việc loại bỏ các loại chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ sẽ làm giảm chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, thưa ông?
Đến bây giờ chúng ta phải tính tới hiệu quả thực thi công vụ, hiệu quả cho những hoạt động của công chức, viên chức. Việc này cần phải kiên quyết, mặc dù cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Quả là cũng có ý kiến cho rằng, như vậy sẽ làm giảm chất lượng, hạ thấp tiêu chí với cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng theo tôi không phải như vậy.
Ngay cả tin học bây giờ, trẻ em mới 3-4 tuổi thôi đã biết sử dụng công nghệ thông tin, vào mạng xã hội rồi. Ngày xưa có thể còn ý nghĩa, nhưng bây giờ tin học đã trở thành một hoạt động thường nhật, sử dụng thường xuyên rồi. Còn ngoại ngữ, có những lĩnh vực như ngoại giao, thương mại, đối ngoại… người ta vẫn cần đến. Hay các nhà nghiên cứu đọc tài liệu cũng rất cần ngoại ngữ, có thể là tiếng Anh, Pháp, tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Nhật. Do vị trí họ cần, buộc họ phải học, phải tự trang bị cho mình.
Có thể nói, đây thực sự là một quyết định mang tính cách mạng và nó là một yêu cầu của tiến trình cải cách nền hành chính nhà nước. Những gì đang cản trở, làm khó cho quá trình vận hành, phát triển, hoặc thăng tiến của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, mình phải rà soát lại để khắc phục. Việc này có tác động trực tiếp đến đội ngũ quản trị công, nhân lực công. Đội ngũ này rất lớn, tạo ra sự thông thoáng cho toàn bộ các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, quan hệ nhà nước với người dân, hoặc quan hệ với nhau. Việc cắt giảm các loại chứng chỉ có ý nghĩa tốt và nên làm. Nhưng việc này cũng phải có bước đi cùng sự chuẩn bị thật tốt để có kết quả cao.
“Trước đây chúng ta cứ đặt ra yêu cầu phải có các loại chứng chỉ, buộc mọi người phải chuẩn bị sẵn mà không biết bao giờ dùng đến. Ðó cũng là một sự lãng phí, căng thẳng, nặng nề cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cắt giảm các loại chứng chỉ có ý nghĩa tốt và nên làm”.
TS Thang Văn Phúc
Giảm gánh nặng thời gian, tiền bạc
Như vậy, việc giảm nhiều loại chứng chỉ “hành” công chức, viên chức bấy lâu nay sẽ giảm gánh nặng rất lớn về thời gian cũng như tiền bạc cho công chức, viên chức và cho xã hội, thưa ông?
Chính xác. Điều đó thì quá đúng rồi. Ngay cả các nước với nền công vụ hiện đại, tiên tiến, họ có đặt vấn đề đó đâu. Khi tuyển dụng vào công chức với từng vị trí, họ tiến hành thi tuyển. Chúng ta cũng đang chuyển vị trí công chức khác nhau theo vị trí việc làm và có tiêu chí rất cụ thể. Anh muốn vào làm việc, những yếu tố về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng, trí thức đều phải được đánh giá bằng thi tuyển.
Làm như vậy chúng ta mới có điều kiện để chọn được người tài, người có năng lực thực tế, chứ cứ cho vào rồi mới đào tạo, bồi dưỡng thì không ổn. Khi tôi còn đang làm việc tại Bộ Nội vụ, Trung ương đã ban hành nghị quyết nêu rõ, phải đào tạo bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm, chứ không phải đợi bổ nhiệm rồi mới đi đào tạo, bồi dưỡng. Làm như thế không ổn, không hợp lý và hiệu quả thấp.
Ông vừa ví các loại chứng chỉ như rào cản, giấy phép con. Vậy phải chăng ở đây có yếu tố lợi ích nhóm, phải chăng các loại chứng chỉ được vẽ ra để “nuôi” các cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ?
Đó cũng là một lỗ hổng về thể chế. Nếu một cơ quan nhà nước mà làm chuẩn thì không sao, nhưng nếu không chuẩn cũng là một kẽ hở để họ lợi dụng, để có thu nhập, gây khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức.
Cho nên để làm việc này, cần phải tổng rà soát lại. Chúng ta đã chuyển sang vị trí việc làm, nền công vụ theo vị trí việc làm, từ đó phải rà soát lại theo từng tiêu chí một. Cái gì loại bỏ được cần kiên quyết bỏ, cái gì cần giữ thì phải duy trì, chứ không phải nói bỏ là bỏ hết.
Cần một chủ trương chung
Về lộ trình thực hiện, theo ông, đề xuất cắt giảm các loại chứng chỉ có nên được triển khai, áp dụng vào thực tiễn càng sớm càng tốt?
Đây mới chỉ là đề xuất của Bộ Nội vụ, còn quyết định thế nào phải do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Khi Chính phủ cho chủ trương thì hai cơ quan chủ trì trực tiếp thực hiện là Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT triển khai. Tất nhiên, chủ trương này cũng liên quan đến các bộ, ngành khác, nên cũng có thể phối hợp. Theo tôi, tốt nhất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên có một chủ trương chung. Sau đó sẽ tiến hành một cuộc tổng rà soát lại tất cả các vị trí việc làm, tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức. Làm như vậy mới bài bản và có tính khả thi.
Vừa qua, Bộ Nội vụ đã chuẩn bị được bước đầu, các bộ đa phần đồng ý với chủ trương này. Tuy nhiên, vẫn phải có một chủ trương chung để đảm bảo tính pháp lý. Vì các tiêu chuẩn, quy định kia đều nằm rải rác trong các nghị định hướng dẫn thực thi Luật Cán bộ công chức, Luật viên chức, nên phải có quyết định pháp lý mới có thể loại bỏ được.
Khái niệm “Học thật, thi thật, nhân tài thật” được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Theo ông, đã đến lúc cần tiêu chí đánh giá mới về nhân tài?
Giữa cái thật với hình thức còn khá phổ biến hiện nay. Nhưng điều quan trọng làm sao biến học thành học thật, thi thành thi thật, năng lực thành năng lực thật, tài năng thành tài năng thật và trách nhiệm là trách nhiệm thật. Muốn vậy cần phải có quy chế, quy định cho phù hợp. Cái nào không ổn phải rà soát, loại bỏ ngay.
Nhưng để làm được điều đó, phải đưa ra các tiêu chí cụ thể, bởi công tác cán bộ, công chức, viên chức là công tác con người. Vì thế, các chính sách đưa ra cần phải hết sức cụ thể mới đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
Cảm ơn ông!