Cấp cứu giữa đêm sau ăn canh cua: Ăn canh cua thế nào tránh ngộ độc?

Các chuyên gia khuyến cáo, cua chứa rất nhiều ký sinh trùng (sán lá phổi) vì vậy tuyệt đối không ăn cua sống hoặc chưa nấu, nướng chín kỹ. Khi ăn canh cua có mùi lạ nên đổ bỏ để tránh gây ngộ độc...

Mới đây, 4 người trong gia đình ở Hà Nội lần lượt cấp cứu giữa đêm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) do ngộ độc canh cua.

Theo thông tin ban đầu, cả nhà có ăn cỗ đặt sẵn. Mọi người ăn nhiều món, riêng người bố chỉ ăn canh cua. Sau khi ăn, 4 người đau bụng dữ dội kèm đại tiện phân lỏng, buồn nôn và nôn.

Theo các bác sĩ, canh cua bổ dưỡng, vị thanh mát nên được nhiều người ưa thích trong mùa hè. Tuy nhiên, món ăn này dễ gây ngộ độc nếu không đảm bảo độ tươi, cách chế biến và bảo quản hợp vệ sinh. Cua có nhiều chất dinh dưỡng, trong đó có axit amin histidine. Hoạt chất này có thể biến thành chất độc histamine khi cua chết, khiến người ăn dễ đau bụng, đau đầu, choáng váng, buồn nôn và nôn. Canh cua giàu chất đạm, có vị tanh nên dễ bị vi khuẩn có hại xâm nhập. Việc bảo quản và nấu lại canh cua có thể khiến thịt cua biến chất, gây độc.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngộ độc canh cua xảy ra khi nào?

Trao đổi trên báo Phụ nữ Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng do rất nhiều nguyên nhân gây ra ngộ độc canh cua.

Trường hợp thứ nhất, do nguyên liệu đầu vào không được tươi ngon. Rất có thể là cua đã chết. Khi cua chết sẽ tiết ra nhiều chất histidine khiến người ăn dễ bị ngộ độc, đau bụng, nôn mửa. Trường hợp chua chết càng lâu thì lượng histidine càng nhiều, nguy cơ ngộ độc sẽ cao hơn.

Trường hợp thứ hai, nguy cơ ngộ độc có thể đến từ việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví như canh cua đã nấu chín nhưng sau đó dùng thìa dính thịt cua sống để múc canh khiến cho thực phẩm sống lẫn với thực phẩm đã chín gây ra ngộ độc.

Trường hợp thứ ba, canh cua đã được nấu chín nhưng để lâu không bảo quản tốt khiến cho canh bị nhiễm vi khuẩn dẫn tới ôi thiu. Lưu ý không để canh cua qua đêm hay nấu đi nấu lại nhiều lần. Do cua chứa nhiều đạm và các vitamin, canh thừa từ bữa trước, kể cả đã được bảo quản trong tủ lạnh, cũng dễ bị vi khuẩn xâm nhập, thậm chí nấu lại vẫn có thể gây ngộ độc.

Ngoài ra, cua sống tại những vùng nước ôi nhiễm thì ăn cũng có nguy cơ gây hại cho sức khoẻ.

PGS Lâm khuyến cáo, cua có chứa rất nhiều ký sinh trùng (sán lá phổi) vì vậy tuyệt đối không ăn cua sống hoặc chưa nấu, nướng chín kỹ. Khi ăn canh cua có mùi lạ nên đổ bỏ để tránh gây ngộ độc.

Một số lưu ý khi ăn canh cua đồng

Không dùng cua đã chết để nấu canh vì loại cua này chứa thành phần hóa học có tên histidine, có nguy cơ gây ngộ độc khiến người ăn bị đau bụng, nôn mửa, thậm chí bị ngộ độc nghiêm trọng.

Cần phải nấu chín cua vì cua sống chứa nhiều ký sinh trùng gây bệnh, khi đi vào cơ thể sẽ tác động xấu đến sức khỏe.

Không nên nấu đi nấu lại canh cua đồng nhiều lần. Việc này không chỉ làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng mà còn có thể làm thịt cua bị biến chất, gây độc.

Theo Đời sống
back to top