4 người ngộ độc methanol: Cách thức methanol xâm nhập vào cơ thể

Chiều 12/6, Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương vừa ghi nhận 1 vụ ngộ độc rượu methanol, khiến 1 người tử vong, 3 người phải nhập viện cấp cứu. Tất cả 4 người ngộ độc rượu đều ngụ xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thành phần chính của rượu uống là ethanol có công thức hóa học là C2H5OH, trong khi methanol có công thức hóa học là CH3OH. Cả 2 loại rượu này đều được sản xuất bằng cách lên men và chưng cất.

Trong khi ethanol được lên men từ tinh bột như ngũ cốc, các loại củ có chứa tinh bột hoặc đường thì methanol được lên men từ nguyên liệu có chứa cellulose (gỗ). Không giống rượu ethanol, methanol nguyên chất có độc tính cao, không thích hợp để uống.

Vì sao rượu methanol có thể gây ngộ độc?

Khi uống rượu methanol, methanol dễ dàng hấp thu qua ruột vào phổi. Sau khi vào cơ thể, methanol sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 - 60 phút. Hóa chất này được chuyển hóa chậm ở gan. Khoảng 3% lượng methanol đưa vào cơ thể được đào thải qua phổi hoặc đào thải nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu.

Methanol là một chất có độc tính thấp. Tuy nhiên, sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic - acid kiến, thành phần chính của nọc kiến. Chính acid formic được xem là thủ phạm gây độc trong các trường hợp ngộ độc rượu methanol. Cuối cùng, acid formic được chuyển hóa thành CO2 và nước. Hai chất này được đào thải qua phổi và thận.

Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh và gây độc. Sự tích tụ của acid formic trong huyết thanh gây nên tình trạng toan chuyển hóa. Sự chuyển hóa methanol và tích tụ acid formic trong võng mạc gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, dẫn đến mù lòa. Acid formic còn gây tổn thương não bộ, có thể dẫn đến tử vong.

Methanol xâm nhập vào cơ thể như thế nào?

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc TT Chống độc (BV Bạch Mai), Methanol được hấp thu và gây ngộ độc dễ dàng qua đường tiêu hóa và qua da hoặc qua đường hô hấp. Do methanol được cơ thể chuyển hóa và thải trừ chậm, gây ngộ độc cũng chậm nên khi tiếp xúc mức độ ít nhưng kéo dài hoặc lặp lại sẽ tích lũy dần và gây ngộ độc nhiều ngày sau (hay gặp với người nghiện rượu, thường xuyên uống rượu không rõ nguồn gốc, người lao động trong môi trường tiếp xúc không an toàn với methanol). Hoặc người có thể tiếp xúc với methanol liều cao một lần nhưng không biết và tới 1-2 ngày sau mới biểu hiện nhiễm độc (hay gặp với trường hợp sử dụng sản phẩm giả có chứa methanol).

Sau đây là các hoàn cảnh có thể xảy ra ngộ độc/nhiễm độc:

Sử dụng, tiếp xúc các sản phẩm rượu giả, cồn sát trùng giả, các sản phẩm ethanol khác bị làm giả trong lao động sản xuất hoặc đời sống hàng ngày hoặc các sản phẩm khác bị làm giả và chứa methanol.

Lạm dụng, sử dụng sai các sản phẩm chứa methanol

Các hoạt động lao động sản xuất, đời sống có sử dụng methanol không an toàn.

Cách phòng ngừa ngộ độc rượu methanol

Nhiễm độc rượu methanol là loại nhiễm độc nặng, nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được bằng các cách sau:

Hạn chế sử dụng rượu, bia vì đây là chất độc hại, ảnh hưởng xấu tới gan, tim mạch, não bộ,...

Mỗi người chỉ nên uống 1 đơn vị rượu mỗi ngày. Cụ thể, chỉ nên uống 300 - 350ml bia (nồng độ 4%), 150 - 200ml rượu sâm panh (nồng độ 11%), 50ml rượu có màu (nồng độ 17 - 20%) hoặc 25ml rượu trắng (nồng độ 35 - 40%).

Thận trọng khi sử dụng rượu, chỉ mua rượu tại các địa chỉ uy tín, có thông tin nguồn gốc rõ ràng.

Không uống rượu tự pha chế, tự ngâm với lá, rễ cây, động vật,... mà không rõ thành phần, xuất xứ hay công dụng.

Không uống rượu có hàm lượng methanol > 0,1%

Không uống rượu khi đang đói.

Không uống rượu kèm với các loại nước có ga.

Không uống rượu khi đang sử dụng các loại thuốc như: Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ đường huyết, các nhóm kháng sinh Cephalosporin, nhóm Phenicol (Chloramphenicol), nhóm Azol (như Metronidazol), thuốc kháng viêm không steroid thế hệ cũ (như Diclofenac, Ibuprofen,...).

Phụ nữ có thai và cho con bú không nên uống rượu.

Nhận biết sớm các dấu hiệu nhiễm độc methanol để kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu tại các cơ sở y tế.

Theo Đời sống
back to top