Cá diêu hồng giàu protein, vitamin A, B, D, phốtpho và iốt, ít chất béo hơn thịt nên dễ tiêu hóa. Dưới đây xin giới thiệu một số món ăn từ cá này có tác dụng phòng chống bệnh tật.
Cá diêu hồng bổ dưỡng
* Tốt cho người già:
100gr cá diêu hồng chứa gần 70% hàm lượng selen. Selen giúp hỗ trợ chức năng của tế bào bạch cầu, giúp hỗ trợ chức năng tuyến giáp.
Nó cũng là chất chống oxy hóa giúp ngăn chặn các gốc tự do (nguyên nhân gây bệnh viêm khớp dạng thấp, ung thư và bệnh tim…). Đới với người già, mỗi tuần nên ăn 1-2 bữa nấu hoặc rán cá đều tốt.
* Chữa ăn ngủ kém:
Cá diêu hồng 1 con 700g, rau ngót 1 mớ to. Làm sạch cá, luộc lấy nước. Gỡ thịt cá, xào hành, mỡ, gia vị, xào rau ngót cho ngấm gia vị. Đun nước luộc cá lên, cho rau ngót vào. Khi rau gần chín thì cho thịt cá đun, ăn nóng, tuần 2 lần.
Theo Đông y, rau ngót tính mát lạnh (nấu chín sẽ bớt lạnh), vị ngọt. Có công năng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hoạt huyết hoá ứ, bổ huyết, là một loại đạm thực vật hàng đầu trong các loại rau.
Thực phẩm này kết hợp với cá diêu hồng giúp bồi bổ cơ thể, tránh suy nhược, tốt cho người mới ốm dậy.
*Cá diêu hồng om dưa chua:
Cá diêu hồng, dưa chua, cà chua, hành tây, hành gừng, mắm muối gia vị vừa đủ om nhừ ăn. Công dụng: kiện tỳ, dưỡng huyết, thanh thấp. Tốt cho người viêm đại tràng, táo bón.
* Nhuận tràng, chữa đau nhức khớp:
Cá diêu hồng nấu với rau nhút. Nguyên liệu gồm: Rau nhút 300g cá diêu hồng 200g gia vị vừa đủ.
Cách làm như sau: Cá làm sạch chỉ lấy phần nạc, ướp gia vị. Xương cá giã nhỏ vắt lọc lấy nước thêm nước cho đủ khoảng 500 ml. Đem đun sôi rồi cho rau nhút (làm sạch thái đoạn ngắn) và cá nạc vào nước đang sôi, quấy đều, chờ sôi lại, nhấc ra ăn nóng với cơm.
Rau nhút có vị ngọt, tính hàn, không độc, tác dụng an thần, mát gan, giải nhiệt độc, có tác dụng chữa chứng mất ngủ, trị nóng trong sinh mụn… làm thông huyết mạch, điều hòa tỳ vị, thông thủy đạo, lợi tiểu tiện, tiêu viêm, nhuận tràng, tốt cho bệnh nhân táo bón, viêm đại tràng, nhức xương khớp…
Lương y Chu Văn Tiến
(Hội Đông y Vĩnh Tường)