Cẩn thận suy tim khi tăng huyết áp

(khoahocdoisong.vn) - Theo khảo sát của các chuyên gia tim mạch tại Việt Nam, tỷ lệ người không biết mình mắc bệnh tăng huyết áp (THA) chiếm khoảng 2/3 trên tổng số bệnh nhân. Một số khác biết bệnh nhưng không điều trị hoặc điều trị không đúng cách, số bệnh nhân tuân thủ tốt chế độ điều trị của bác sĩ chỉ chiếm 4%. Như vậy, THA và kiểm soát THA tại nước ta chưa được chú trọng bởi người bệnh thường chủ quan hay thiếu sự hiểu biết về bệnh.

Những nguyên nhân đưa đến THA

Theo các chuyên gia, tuổi càng cao nguy cơ trở thành nạn nhân của căn bệnh cao huyết áp càng lớn. Người cao tuổi đặc biệt có nguy cơ phát triển dạng tăng huyết áp tâm thu. Huyết áp cao là nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch. Qua thăm khám người ta nhận thấy, nếu trong gia đình có bố mẹ, ông bà bị cholesterol cao thì con cái sinh ra cũng dễ bị cholesterol cao. Cholesterol cao là thủ phạm gây THA. Những người béo, tích tụ mỡ quanh bụng, hông và đùi có nguy cơ bị THA và nam giới có nguy cơ cao hơn phụ nữ. Ngoài ra, rượu, bia và thói quen ăn mặn, ăn thức ăn nhanh chứa lượng muối lớn đều là nguyên nhân gây tăng huyết áp.

PGS.TS Nguyễn Minh Hiện, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, THA là bệnh nguy hiểm nhưng khó phát hiện vì các triệu chứng không rõ ràng. Tăng huyết áp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì những hậu quả để lại là khá nặng nề như giảm cung cấp máu tới các nội tạng, có thể dẫn đến tác động mạch khi xơ vữa động mạch phát triển: suy thận, tắc động mạch chi, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… Người cao tuổi cần để ý, khi huyết áp lên, ta cảm thấy chóng mặt, nhức đầu, nóng mặt, mệt, khi ấy ta cần kiểm tra huyết áp bằng cách đo: Ngồi nghỉ vài phút trước khi đo; Đo huyết áp ít nhất 2 lần, cách nhau 15 phút, lấy trị số trung bình. Khi đo, âm xuất hiện đầu tiên (pha 1) xác định huyết áp tâm thu và khi mất âm (pha 5) xác định huyêt áp tâm trương. Nếu huyết áp tâm thu >= 140mmHg, hoặc huyết áp tâm trương >= 90mmHg thì tăng huyết áp.

Không kiểm soát THA dễ dẫn tới suy tim

Việc phát hiện muộn cũng như kiểm soát THA kém hiệu quả sẽ làm gia tăng các biến chứng và tỷ lệ tử vong trong tim mạch. Một trong những hậu quả của việc kiểm soát THA không tốt là suy tim. Tỷ lệ này chiếm tới 50% trên tổng số bệnh nhân tim mạch. Các dấu hiệu báo trước của suy tim do THA  thường gặp ở người bệnh là dày thất trái, nhưng trong nhiều trường hợp lại không có dấu hiệu báo trước kể cả trên lâm sàng. Đó là biến chứng thường gặp của THA lâu dài, khó nhận biết là do vào thời điểm có suy tim thì rối loạn chức năng thất trái không có khả năng làm THA lên, như vậy HA lại ở mức bình thường làm cho người bệnh dễ bỏ qua.

Đặc biệt, trong THA có tới 33% số bệnh nhân bị rối loạn chức năng tâm trương (suy tim tâm trương) không có triệu chứng lâm sàng, không có dày thất trái. Tiếp theo giai đoạn rối loạn chức năng tâm trương là rối loạn chức năng tâm thu không triệu chứng. Ở giai đoạn này tim không đủ khả năng co bóp tống máu đi, HA có xu hướng trở về mức bình thường, nhưng chính là lúc thất trái giãn dần ra. Khi bệnh nhân có các triệu chứng suy tim trên lâm sàng rõ rệt thì cũng là lúc thất trái đã giãn nhiều, khó hồi phục. Theo các chuyên gia, điều trị suy tim trong THA phải được tiến hành ngay từ giai đoạn chỉ có rối loạn chức năng tâm  trương, hay chức năng tâm thu đánh giá trên siêu âm tim, chứ không đợi đến khi có triệu chứng lâm sàng mới bắt đầu chữa trị để có thể giảm nguy cơ tử vong, tăng chất lượng sống.

Quan điểm trong y học hiện đại là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì vậy, chúng ta cần biết con số huyết áp của mình từng năm một và điều chỉnh lối sống, nếp sinh hoạt. Khi có THA cần đến các bác sĩ chuyên khoa để có lời khuyên đúng, điều trị sớm và đúng cách, tránh các hậu quả nặng nề do bệnh gây ra.

Theo Đời sống
back to top