Loét dạ dày - tá tràng (DD-TT) là một bệnh có tỉ lệ mắc bệnh khoảng 1-3% dân số. Việc điều trị bệnh loét DD - TT đã có những thay đổi lớn với việc phát triển các thuốc chống loét thế hệ mới và việc phát hiện, xác định vai trò gây bệnh loét của vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) trong dạ dày. Bệnh hay tái phát nếu bệnh nhân không tuân thủ điều trị hoặc vẫn bị các yếu tố nguy cơ khác do sinh hoạt, ăn uống.
Đối với bệnh loét DD-TT do nhiễm HP việc điều trị chủ yếu là dùng các phác đồ điều trị bao gồm cả thuốc kháng sinh để tiêu diệt HP và các thuốc chống loét, giảm axit. Các phác đồ 3 thuốc gồm một thuốc chống loét (bismuth, ức chế thụ thể H2 của histamin, ức chế bơm proton) kết hợp với hai kháng sinh (tetracyclin, clarythromycin, amoxicillin, imidazol). Các phác đồ 4 thuốc gồm 2 thuốc chống loét kết hợp với 2 kháng sinh thường dùng trong trường hợp thất bại với phác đồ 3 thuốc.
Các phác đồ điều trị hiện nay thường có các tác dụng phụ như chua miệng, đắng miệng, nhức đầu, buồn nôn và nôn. Người bệnh cần cố gắng chịu đựng để uống đủ liều điều trị vì nếu bỏ dở điều trị sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc về sau.
Bên cạnh việc điều trị tiệt trừ HP hoặc điều trị thuốc chống loét bệnh nhân cần kiêng các thức ăn chua cay, nhiều mỡ béo và phải ngưng hút thuốc lá, ngưng uống bia, rượu, tránh bớt các nguyên nhân gây căng thẳng thần kinh vì đây cũng là các tác nhân gia tăng hoặc làm trầm trọng thêm vết loét.
Bệnh này có thể khỏi hoàn toàn, không tái phát và không gây biến chứng nguy hiểm nếu được phát hiện kịp thời và được điều trị đúng cách.
Việc điều trị bằng thuốc trong bệnh loét DD-TT cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị và phù hợp với tình trạng bệnh của từng người. Cần phải đi khám lại để xác định tình trạng bệnh trước khi dùng thuốc đợt 2 nếu đợt một thất bại. Người bệnh không nên tự ý điều trị, hay nghe theo lời mách bảo hoặc sử dụng lại toa thuốc cũ mà không tái khám để tránh những hậu quả không tốt có thể xảy ra do không được điều trị đúng cách.
ThS Lê Quốc Thịnh (Bệnh viện T.Ư 71)