Cách phòng dịch sởi, chân tay miệng, sốt xuất huyết đơn giản nhất

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Y tế cho biết, ngoài nguy cơ bệnh mới xâm nhập vào nước ta thì các bệnh như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết luôn có khả năng bùng phát.

Ngày 12/10/2018, Bộ Y tế phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết năm 2018tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi Quận Thủ Đức, TP.HCM với sự tham gia của khoảng 1.000 đại biểu … nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, từng gia đình và toàn xã hội… chủ động tham gia và phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết.

Chiến dịch kêu gọi sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong công tác phòng chống dịch bệnh

Chiến dịch kêu gọi sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong công tác phòng chống dịch bệnh

Chương trình bao gồm các hoạt động: Thực hành vệ sinh khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ tại Trường mầm non; Thực hành tiêm vét vắc xin phòng sởi cho trẻ tại Trạm Y tế; Thăm, kiểm tra các hộ gia đình về thực hành các biện pháp loại trừ lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và kiểm tra các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng ở hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Kiểm tra việc loại trừ lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Kiểm tra việc loại trừ lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Thực hành vệ sinh, khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ

Thực hành vệ sinh, khử khuẩn tại khu học tập, vui chơi của trẻ

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến Tại cũng có buổi làm việc với lãnh đạo của BV Nhi đồng 1, BV Nhi Đồng 2, BV Nhi Đồng TP.HCM, BV Bệnh Nhiệt Đới, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM. Đại diện của các bệnh viện đã báo cáo tình hình các bệnh sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng trong năm 2018 và trong những tháng cao điểm của mùa dịch bệnh tại đơn vị cũng như các biện pháp để giảm tải và hạn chế lây nhiễm trong bệnh viện và cộng đồng.

Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý các bệnh viện cần chủ động hơn nữa trong việc hạn chế lây nhiễm mùa dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý các bệnh viện cần chủ động hơn nữa trong việc hạn chế lây nhiễm mùa dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cáo công tác chủ động sàng lọc bệnh, tăng cường nhân lực, phối hợp và điều trị bệnh kịp thời, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến cơ sở qua telemedicine, … của 3 bệnh viện nhi trong những tuần cao điểm của dịch bệnh. Tuy nhiên, bộ trưởng cũng lưu ý việc tổ chức bố trí phòng cách ly, khu vực sàng lọc sao cho hợp lý hơn để tránh lây nhiễm chéo. Đồng thời, cần tăng cường việc điều trị trong ngày, chuyển bệnh nhân về bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến cơ sở, lập thêm phòng tiêm chủng tại bệnh viện để tiêm cho những đối tương chưa tiêm ở cộng đồng, đặc biệt là những trẻ đang bị bệnh, xem xét xây dựng nhà lưu trú cho những người ở xa… để giảm tải và giảm lây nhiễm.

Trẻ bị bệnh được theo dõi chặt chẽ bởi người nhà và nhân viên y tế.

Trẻ bị bệnh được theo dõi chặt chẽ bởi người nhà và nhân viên y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải sự tăng vọt lượng bệnh nhân vào viện trong thời gian qua có thể xuất phát từ các nguyên nhân: Số lượng bệnh nhân tăng theo chu kỳ dịch bệnh, do người dân còn thiếu thông tin, đặc biệt là người dân ở xa nên thường cho con nhập viện khi chưa cần thiết, dẫn đến sự quá tải ở các bệnh viện lớn cũng như gây ra lây nhiễm chéo trong môi trường bệnh viện.

Vì thế, bà khuyến cáo các cơ sở y tế cần đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân, đẩy mạnh việc phòng chống bệnh từ những điều đơn giản nhất như rửa tay với xà phòng, tiêm vắc xin đúng lịch, đúng liều...

Các khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, chống bệnh

* BỆNH TAY CHÂN MIỆNG:

  - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

  - Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

  - Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

  - Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

  - Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

* BỆNH SỞI:

 - Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi  hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

 - Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện

- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

 - Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

 - Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.

 - Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top