Tập luyện để phòng loãng xương
Những người bị loãng xương có các triệu chứng đau mỏi, sưng, nóng, đỏ, có khi không sưng mà vẫn đau âm ỉ. Các ống xương tê buốt khi đi lại hay vặn mình là đau, trong các tư thế cả hệ thống xương đều bứt rứt khó chịu, chiều cao thấp dần… Cách điều trị bằng 2 cách là xoa bóp bấm huyệt và uống thuốc đông y.
*Xoa bóp bấm huyệt
-Xoa bóp 2 cánh tay. Hằng ngày xoa bóp 2 lần, mỗi lần 20 phút. Nếu có nhiều thời gian thì xoa nhiều lần càng tốt. Dùng 2 bàn tay bóp 2 cánh tay, tay nọ bóp tay kia, bóp 10 nhát rồi chuyển sang xoa, xoa từ bàn tay lên cánh tay xoa cho nóng lên rồi bấm vào huyệt sau:
Khúc trì: Huyệt ở giữa khuỷu tay, dùng ngón tay cái bấm vào 10 lần rồi day nhẹ nhàng sau đó chuyển sang huyệt.
Hợp cốc: Huyệt ở giữa kẽ ngón 1 và ngón 2 lên 2cm. Dùng ngón cái bấm sâu xuống rồi lại nâng lên cho khí huyết lưu thông.
Xoa bóp 2 chân: Bệnh nhân ngồi duỗi chân ra, dùng 2 tay cho nóng 2 chân, sau đó sát mạnh vào da, xoa từ cổ chân lên đùi. Sau khi xoa sát, chuyển sang động tác bóp huyệt, bóp từ dưới lên trên để dồn máu về tim, chỗ nào đau nhiều sẽ bóp nhiều cho cơ mềm mại, khí huyết lưu thông. Sau cùng dùng 2 ngón cái bấm vào 2 huyệt dương lăng tuyền (huyệt ở dưới phía ngoài đầu gối), bấm 10 nhát rồi chuyển sang huyệt tam âm giao (huyệt ở mặt trong cổ chân từ mắt cá trong lên 4cm). Huyệt này là giao điểm của 3 kinh thận, can và tỳ, giúp bổ can thận, bổ tỳ, lưu thông khí huyết.
-Xoa bóp vùng lưng: Bệnh nhân đứng thẳng người xoa 2 bàn tay vỗ vào huyệt thận du ở ngang thắt lưng, vỗ 20 lần sau đó xoa cho ấm chân thận rồi vỗ tiếp xuống 2 bên mông và 2 đùi, vỗ lên rồi vỗ xuống cho khỏi tê, đau, mỏi.
*Sử dụng bài thuốc đông y gồm: quế chi, rễ lá lốt, thiên niên kiện mỗi thứ 8g, ý dĩ, tỳ giải, kê huyết đằng, trần bì, xấu hổ mỗi thứ 16g, cỏ xước 12g. Tất cả cho vào sắc 600ml nước còn 300ml chắt ra uống trong ngày, chia 3 lần. Uống 2 ngày 1 thang, trong 1 tháng thì hiệu quả rõ rệt, đỡ đau, đi lại dễ dàng, ăn ngủ được.
BS Kim Lan, nguyên cán bộ Bệnh viện Châm cứu TW