Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông báo việc phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình với hơn 250 con lợn đã bị tiêu chảy. Tuy nhiên, dịch lợn này không lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn mà nên chọn thực phẩm rõ nguồn gốc.
Không lây bệnh sang người
Dịch tả lợn châu Phi (ASF) là virus gây sốt xuất huyết với tỉ lệ tử vong là 100% đối với heo nhiễm bệnh. Dịch ASF lần đầu xuất hiện tại Kenya (châu Phi) vào năm 1921 và được phát hiện lần đầu tại nhiều nước châu Âu năm 1957. Với số heo chết vì nhiễm bệnh là trên 124.000 con và tiêu hủy 859.000 con.
Bệnh dịch lợn tả châu Phi có cơ chế lây qua đường tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Lợn bị bệnh có biểu hiện là sốt rất cao, chết từ từ chứ không chết đồng loạt như các loại bệnh lây qua đường hô hấp. Hiện nay, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% vì chưa có thuốc chữa.
Từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ DTLCP xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ Cục Thú y cho biết, giống như bệnh dịch tả truyền thống, dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh đặc chủng trên đàn lợn, không lây bệnh cho động vật khác và không ảnh hưởng sức khỏe, lây bệnh sang con người . Người chăn nuôi cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp khử trùng chuồng nuôi bằng vôi bột, thuốc sát trùng.
Hiện nay đã có chính sách hỗ trợ đền bù thiệt hại cho người chăn nuôi nếu đàn lợn bị tiêu hủy, với mức giá chung là 38.000 đồng mỗi kg. Khi phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người dân khai báo đến chính quyền, cơ quan thú y địa phương để được hỗ trợ xử lý dịch bệnh cũng như hưởng chính sách đền bù; tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh, không tự ý vứt xác lợn chết ra môi trường.
Thịt lợn nhiều nốt như “muỗi đốt” có thể nghi ngờ nhiễm bệnh
TS Trần Thị Mai Phương, Nguyên trưởng bộ môn Chế biến, Bảo quản và an toàn thực phẩm, Viện Chăn nuôi cho biết, thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi thường có những nốt xuất huyết dưới da, nhất là vùng thịt mềm như bụng, nách của lợn. Nhiều người bán thường giải thích là lợn bị muỗi đốt, nhưng không phải như vậy, lợn có bao giờ được mắc màn, da lợn rất dày, không thể bị đốt hàng đống nốt như kiểu dịch xuất huyết. Vì vậy, khi thấy thịt lợn có nhiều nốt xuất huyết thì có quyền nghi ngờ và không nên dùng.
Đối với đồ hộp, vị Tiến sĩ này cũng quan ngại rằng thịt lợn sống đôi khi người tiêu dùng còn khó nhận ra là thịt lợn dịch hoặc không thì đồ hộp, đồ chế biến sẵn càng khó nhận biết hơn. Vì vậy, cách tốt nhất là khi chọn thực phẩm cần rõ nguồn gốc, đã được kiểm định, nấu thịt cần nấu chín, không nên ăn tiết canh. Những đồ hộp nên đun cách thủy để an toàn.