TS Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó Viện trưởng Viện Rau quả cho biết, có nhiều nguyên nhân gây tổn thất sau thu hoạch rau quả, đó là thu hái không đúng độ già mà thu hái theo thói quen, vận chuyển kiểu cơ giới, thu hái thủ công, không đúng kỹ thuật, tổn thất và mất an toàn do quá trình vận chuyển gặp khó khăn và không đúng cách, không đúng kỹ thuật… dẫn đến tổn thương cơ học lớn trong quá trình vận chuyển.
Mỗi người phải tự trang bị kiến thức để sử dụng rau củ đúng cách, an toàn cho sức khỏe gia đình, bởi các giải pháp vĩ mô cần đến nhiều thời gian mà sức khỏe thì không thể đưa ra để “đánh cược”. Nên từ bỏ thói quen mua bất cứ loại rau gì nhìn thấy, chỉ mua rau có nguồn gốc cụ thể, rõ ràng. Nhận biết các sản phẩm tươi, ngon đặc trưng theo mùa, thuộc về từng vùng miền để lựa chọn. Trong thực trạng chất lượng rau của chưa kiểm soát được hết thì nên hạn chế ăn rau sống nếu không thấy đảm bảo an toàn. Trong trường hợp phải ăn rau sống thì lưu ý đến việc sơ chế, rửa rau củ quả thật kỹ dưới vòi nước trong thời gian cần thiết, đảm bảo rau sạch, an toàn, tránh được các loại vi sinh vật, hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư.
Người tiêu dùng khi chọn mua rau, quả để đảm bảo ít bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật cần chú ý chọn: rau, quả còn tươi, có màu sắc và trạng thái tự nhiên, không bị dập nát, không bị úa, không có vết màu lạ, không có mùi lạ. Đặc biệt, không mua rau, quả đã bị thâm hoặc nhũn ở đầu dù phần vỏ của rau, quả còn đẹp, vì phần vỏ nhìn vẫn tươi, đẹp là do hóa chất bảo vệ thực vật nhưng thực chất bên trong hoa quả đã bị hỏng. Không mua rau, quả có các hiện tượng bất thường như: rau non, xanh; quả chín quá đều, quá đẹp, đẹp không bình thường là dễ có hóa chất bảo vệ thực vật…
Khánh Ly