Bồi bổ giúp tuổi trung niên cường tráng

(khoahocdoisong.vn) - Khi bước vào tuổi trung niên, sức khỏe giảm sút rõ rệt, bệnh tật phát sinh dễ dẫn đến suy nhược cơ thể. Để cơ thể khỏe mạnh cường tráng phải biết cách bồi bổ.

20 - 40% suy dinh dưỡng do thiếu dưỡng chất

Khi đến tuổi 50, quá trình lão hóa bắt đầu tăng tốc, thể lực kém đi, gầy yếu, tinh lực không đủ... Nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy, 95% người ngoài độ tuổi 50 thường gặp vấn đề về sức khỏe, phổ biến như:

Suy nhược cơ thể do thiếu máu hoặc tuần hoàn máu kém: Các thành mạch máu bị xơ hóa, dễ hình thành các mảng xơ vữa khiến lưu thông máu bị trì trệ dẫn đến các biểu hiện như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng, hoa mắt, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, suy nhược thần kinh, hay các cảm giác tê bì chân tay, tê cứng cổ…

Giảm khối cơ và sức cơ: Do đạm cơ thể tăng dị hóa nhưng giảm đồng hóa dẫn đến ban đầu chỉ giảm khối cơ, tiếp đó là khối cơ và sức cơ, cuối cùng là khả năng hoạt động cũng giảm. Từ tuổi 40 trở đi, cứ mỗi 10 năm, một người bình thường có thể mất đến 8% các khối cơ trong cơ thể. Mất cơ làm giảm khả năng vận động thể chất, tăng nguy cơ bị té ngã, làm sức khỏe yếu đi, gây cảm giác mệt mỏi, gây suy giảm hệ miễn dịch…

Tăng khối mỡ: Cơ thể sau tuổi 35 sẽ tích lũy khoảng 0,7kg chất béo mỗi năm trong khi lại giảm 200g khối cơ/ năm nên người cao tuổi rất dễ bị béo phì, thừa cân gây ra những bệnh lý liên quan tới tim mạch, huyết áp.

Thoái hóa xương khớp: Sau tuổi 30, xương bắt đầu quá trình phân hủy nhưng lại giảm quá trình tạo mô xương mới. Vì cấu trúc xương mất dần, người cao tuổi rất dễ bị mắc các vấn đề về xương khớp như giòn xương, đau nhức xương khớp.

Suy giảm trí nhớ: Ở tuổi 50, có khoảng 10.000 nơron não bị lão hóa mỗi ngày, đây chính là lý do dẫn đến bệnh người già suy giảm trí nhớ, đồng thời tế bào thần kinh cũng bị lão hóa theo thời gian dẫn đến các chứng như: run rẩy chân tay, không kiểm soát hoặc mất độ chính xác ở các hoạt động…

Suy giảm sức đề kháng và hệ miễn dịch: Quá trình lão hóa diễn ra ngày càng nhanh kéo theo suy giảm khá nhiều tế bào lympho T. Sự giảm sút sản sinh tế bào T có thể là do sự suy giảm chức năng của tuyến ức hoặc do tủy xương không tiếp tục sản sinh các tế bào miễn dịch.

Rối loạn tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng kém: Sau 50 tuổi, tình trạng giảm vị giác bắt đầu xuất hiện khiến người cao tuổi không còn cảm giác ăn ngon miệng dẫn đến việc chán ăn. Đồng thời, sức nhai, dịch vị và men tiêu hóa cũng giảm. Nhu động ruột cũng giảm nên chứng táo bón cũng dễ xảy ra... ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng của cơ thể.  Ở nước ta, tình trạng suy dinh dưỡng do thiếu dưỡng chất ở người lớn tuổi ở mức khá cao, từ 20 - 40%.

Cân bằng dưỡng chất kết hợp bồi bổ

Nhu cầu năng lượng ở người 60 tuổi giảm khoảng 20%, người trên 70 tuổi giảm khoảng 30% so với người 25 tuổi. Để có một cơ thể khỏe mạnh, trước hết nếu có các bệnh mạn tính thì cần đến bệnh viện điều trị. Tiếp đó là tiến hành bồi bổ cho đúng cách, cải tiến chế độ ăn uống, tăng mức nhiệt lượng đưa vào, trong ăn uống cần tăng thêm thức ăn có nhiệt lượng cao gồm: lipid, hydrat carbon... là chính, như thịt các loại, lương thực loại ngũ cốc, sữa, trứng, cá tôm tươi, các loại sò hến, chế phẩm đậu. Có thể ăn thêm những thức ăn có tích kích thích như ớt, tỏi... để điều tiết khẩu vị, tăng hứng thú ăn uống.

Ngoài ra, ăn uống phải điều độ, có định giờ, định lượng, thức ăn phải điều phối hợp lý. Theo khuyến nghị về dinh dưỡng cho người Việt Nam, nhu cầu năng lượng người cao tuổi từ 1.700 - 1.900 calo/ngày. Trong đó, phải đảm bảo đầy đủ các 4 nhóm dưỡng chất với tỷ lệ như sau: Chất đạm 12 - 13%, chất béo ít hơn 30% và chất bột đường 57 - 58%. Nhu cầu các chất khoáng như canxi, magiê, kali, sắt, vitamin A, D, E, vitamin nhóm B cần đạt ở mức khá cao.

Đặc biệt, cần chú ý nghỉ ngơi sau bữa ăn để giúp cho việc tiêu hóa, hấp thu các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn. Nên tăng cường bồi bổ các món ăn phòng chống suy nhược cơ thể như sau:

Dạ dày lợn bao hạt sen: Dạ dày lợn 1 cái, hạt sen 40 hạt, muối, hành, gừng, tỏi... Hạt sen nhét vào trong dạ dày lợn, cho vào nồi đun chín, lấy ra thái chỉ, đổ các gia vị trên vào trộn, dùng để ăn kèm, ăn thường xuyên.

Canh hạt sen, sơn dược, nhân sâm: Hạt sen 10 hạt, sơn dược 20g, nhân sâm 10g, đường phèn 30g. Cho hạt sen, nhân sâm, sơn dược, đường phèn vào trong bát, hầm cách thủy 1 tiếng là được.

Hải sâm hầm măng: Hải sâm ngâm cho nở 200g, măng 100g, thịt nạc 100g thái miếng, cho cùng vào nồi hầm chín, cho muối, đường, rượu, dùng bột hòa vào là có thể bắc ra ăn được.

Lương y Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top