Mệt mỏi kéo dài, người đàn ông 47 tuổi không ngờ viêm nội tâm mạc

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là do vi khuẩn đi vào máu và di chuyển tới tim. Tại tim, vi khuẩn phát triển và bám vào lớp nội mạc cơ tim hay van tim tạo nên các ổ vi khuẩn (sùi)... đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Vi khuẩn xâm nhập phá hủy tim nguy cơ tử vong cao

Người bệnh nam 47 tuổi, cách đây hơn 1 tháng thấy người mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút cân kèm theo gai rét (người bệnh không cặp nhiệt độ). Tình trạng này kéo dài lai rai.

Đợt này, người bệnh thấy mệt nhiều hơn, tình trạng gai rét vẫn còn, nhập viện với tình trạng thiếu máu, cấy máu mọc liên cầu khuẩn. Siêu âm Doppler tim phát hiện sùi lớn ở cả 2 lá van của van hai lá gây đứt dây chằng, trôi cả 2 lá van vào buồng nhĩ trái, hở hai lá nhiều. Người bệnh được chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Đây là một bệnh nhiễm trùng màng trong tim, nguyên nhân do viêm nhiễm ở một bộ phận nào đó, vi khuẩn đi vào máu và di chuyển tới tim. Tại tim, vi khuẩn phát triển và bám vào lớp nội mạc cơ tim hay van tim tạo nên các ổ vi khuẩn (sùi), trên siêu âm tim, bác sĩ có thể quan sát được.

Mệt mỏi kéo dài, bệnh nhân nam 47 tuổi không ngờ viêm nội tâm mạc - Ảnh BVCC

Mệt mỏi kéo dài, bệnh nhân nam 47 tuổi không ngờ viêm nội tâm mạc - Ảnh BVCC

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là một bệnh lý hiếm gặp, song nghiêm trọng. Người bệnh có suy giảm hệ thống miễn dịch hay có bệnh lý tim mạch như: mang van tim nhân tạo, bệnh tim bẩm sinh, hẹp hay hở van tim, người bệnh có các dụng cụ cấy ghép trong buồng tim,... có nguy cơ mắc bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cao hơn.

Cùng các yếu tố tạo thuậnlợi như: người bệnh có tiêm truyền đường tĩnh mạch không đảm bảo vô khuẩn, sau các thủ thuật hoặc các viêm nhiễm vùng răng miệng, người bệnh có đặt đường thông nội mạch,...

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể gây nên các biến chứng tại chỗ như: áp xe mô cơ tim, áp xe vòng van, tổn thương dây chằng, cột cơ, rách lá van tim gây hở van tim đột ngột dẫn đến suy tim thậm chí có thể tử vong.

Các mảnh sùi mang vi khuẩn có thể đứt ra và di chuyển đến các cơ quan gây tắc mạch và nhiễm trùng cơ quan đó như: tắc mạch phổi, viêm phổi, áp xe phổi, tắc mạch não, áp xe não và các cơ quan khác như: gan, lách, thận,...

Người bệnh cần làm gì để phòng bệnh và phát hiện sớm viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Người bệnh có nguy cơ cao mắc viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cần được phòng ngừa bằng kháng sinh khi thực hiện các thủ thuật y tế.

Tiên lượng bệnh nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, người bệnh khi có các triệu chứng mệt mỏi kèm sốt kéo dài đặc biệt là người bệnh có tiền sử bệnh lý tim mạch cần được thăm khám chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Khi nghi ngờ bị bệnh người dân cần đến các bệnh viện có chuyên Khoa Tim mạch, có đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, được trang bị hệ thống máy siêu âm tim hiện đại, chuyên sâu về tim mạch, để được phát hiện và chẩn đoán kịp thời.

Nhiều trường hợp mắc viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn được phát hiện sớm và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp làm giảm nguy cơ biến chứng và giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh.

Theo Đời sống
back to top