Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn sau thay van tim

(khoahocdoisong.vn) - Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn xuất hiện khi vi khuẩn xâm nhập vào trong dòng máu và làm loét sùi van tim. Điều đó có thể gây nhiều biến chứng trầm trọng.

Hỏi: Tôi bị bệnh van tim đã được phẫu thuật sửa van nhưng hiện tại không sửa được nữa cần phải phẫu thuật. Tôi rất lo gì nghe nói sau phẫu thuật van tim có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Xin KH&ĐS cho biết về phẫu thuật thay van và cách phòng bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn?

Đỗ Văn Quang (Hà Nội)

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội: Nếu van tim của bệnh nhân bị tổn thương quá nhiều không thể sửa được nữa thì cần được cắt đi và thay thế bằng van tim nhân tạo. Các van nhân tạo được chia thành 2 nhóm: van sinh học và van cơ học (được làm bằng kim loại, hay các chất tổng hợp khác...).

Người bị bệnh van tim hay sau phẫu thuật van tim có nguy cơ bị một nhiễm khuẩn đặc biệt gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn xuất hiện khi vi khuẩn xâm nhập vào trong dòng máu và làm loét sùi van tim. Điều đó có thể gây nhiều biến chứng trầm trọng.

Để phòng ngừa, bệnh nhân hãy dùng thuốc kháng sinh trước và sau một số thủ thuật như: Tất cả các thủ thuật có liên quan đến răng miệng, bao gồm lấy cao răng, đánh bóng răng. Để làm giảm vi khuẩn trong miệng, hãy đánh răng và sát khuẩn miệng hàng ngày, kiểm tra răng miệng định kỳ 6 – 12 tháng một lần.

Dùng kháng sinh khi làm các tiểu phẫu và trong một số trường hợp khác như sinh con, các thủ thuật có gây tổn thương cho các tổ chức như soi bàng quang, thăm trực tràng... dù nguy cơ bị nhiễm khuẩn trong các tình huống này rất nhỏ. Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu nào như sốt, vã mồ hôi, ăn không ngon, sụt cân hay mệt mỏi kéo dài.

Theo Đời sống
back to top