Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ không cào bằng
Thầy giáo Nguyễn Trọng Nghĩa, hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Lũng Phìn, Lào Cai chia sẻ, ngày 21/11, khi Quốc hội họp chốt tăng tuổi nghỉ hưu, các thầy cô giáo đều lo lắng. Hầu hết các giáo viên ở đây đều ở dưới xuôi lên. Khi nghỉ hưu, họ muốn được quay về quê, hưởng tuổi già. Nếu kéo dài thời gian nghỉ hưu, họ sợ rằng quãng thời gian được ở quê không còn nhiều.
Hơn nữa, do hoàn cảnh sống, do đặc thù địa hình, ở độ tuổi 60 mọi người e ngại không còn đủ sức khỏe để đến trường dạy học sinh. Thậm chí, nhiều người còn chưa kịp nhận sổ hưu đã mất.
Nỗi lo lắng của các thầy cô giáo theo chia sẻ của thầy Nghĩa cũng là nỗi lo của chung của rất nhiều thầy cô giáo ở các cấp học, các địa bàn khác nhau.
Một cô giáo dạy văn ở Hà Nội chia sẻ, cô bị bệnh về thanh quản, họng kéo dài, một loại “bệnh nghề nghiệp”. Cô đang dự tính còn hơn chục năm nữa được về hưu, sẽ nghỉ ngơi. Nhưng giờ tăng lại tăng thêm 5 năm nữa. Thông tin đó làm cô và các đồng nghiệp thấy buồn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (ngoài cùng bên phải) đang trao đổi với các đại biểu Quốc hội. |
Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: “Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là điều chỉnh đối với những người trong điều kiện lao động bình thường, sức khỏe bình thường. Còn những người ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó khăn, hoặc làm những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, những ngành nghề có tính chất đặc thù, ví dụ, xiếc múa hoặc một số ngành khác thì sẽ xem xét có điều chỉnh những phù hợp.
Đối với giáo viên, sẽ có đối tượng giáo viên được nghỉ hưu sớm, ví dụ giáo viên mầm non, có những việc có thể nghỉ sớm. Nhưng có những việc không có nghĩa là phải nghỉ sớm. Ví dụ, giáo viên mầm non nếu là người trực tiếp giảng dạy các cháu khác với việc những người phục vụ trong lĩnh vực mầm non.
Hoặc giáo viên, có người ở miền núi, có người ở thành phố, có người ở vùng sâu vùng xa, người có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, ví dụ ở địa bàn phụ cấp 0,7 cũng phải xem xét để họ được nghỉ hưu sớm”.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, các cơ quan sẽ đánh giá đầy đủ phân tích kỹ lưỡng và sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể đối với từng đối tượng, cụ thể…
Còn nếu cho rằng, tất cả giáo viên cần phải được nghỉ hưu sớm hơn các ngành nghề khác thì không thể.
Mong muốn Chính phủ lưu ý nhóm lao động đặc thù
Đánh giá về việc tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 với nữ vừa được Quốc hội thông qua, đại biểu Nguyễn Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, việc tăng tuổi nghỉ hưu không thể tránh khỏi, do lý do già hóa dân số, khả năng của quỹ bảo hiểm an sinh xã hội…
Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. |
Tuy nhiên, việc tăng này cần có lộ trình và phải có những quy định cụ thể, tránh áp dụng một cách đồng loạt với tất cả các đối tượng ở tất cả các ngành nghề, khu vực.
Ví dụ, như đối với công nhân lao động trực tiếp ở trong môi trường độc hại, hoặc là giáo viên, nhất là giáo viên ở những cấp bậc học thấp như như mầm non thì cần có xem xét, đánh giá đầy đủ, thận trọng.
Theo ông Thắng, đặc thù của giáo viên mầm non là thời gian và cường độ làm việc rất lớn. Một ngày làm việc kéo dài có khi hơn 10 tiếng, thậm chí không có giờ nghỉ trưa, vừa dạy vừa dỗ học sinh. Các cô không chỉ dạy các cháu về kiến thức văn hóa mà còn dạy cả kỹ năng, dạy hát múa…
Như vậy, với đặc thù này, các cô giáo lớn tuổi sẽ không thuận lợi bằng các cô giáo trẻ. Ngoài ra, còn là vấn đề sức khỏe. Trong khi ở bậc đại học, thời gian làm việc hoàn toàn có thể kéo dài. Có những nhà khoa học ở lứa tuổi 65, 70 năng suất làm việc vẫn rất tốt.
Cho nên, theo ông Thắng, trong việc sử dụng đội ngũ giáo viên cần phải lưu ý để làm sao vừa thực hiện được chủ trương của luật tăng dần tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, nhưng đồng thời cũng quan tâm đến đặc thù giáo viên ở các cấp học, ở địa bàn khác nhau để có quy định phù hợp.
QH đã thông qua bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 với nữ. điều 169 quy định, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ.