Tăng tuổi nghỉ hưu: Người già chiếm ghế, người trẻ ngồi chỗ nào?

(khoahocdoisong.vn) - Theo GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết nếu việc tăng tuổi nghỉ hưu thực hiện ngay.

Ảnh: GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội.

Kéo dài thời gian “cắp ô”

Liên quan đến đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Theo cả hai phương án này thì nam 62 và nữ 60 tuổi mới được nghỉ hưu. Ông đánh giá thế nào về phương án này?

Đã nhiều lần chúng ta nói đến việc này nhưng không nhận được sự đồng thuận của xã hội. Tôi cho rằng chưa đến lúc phù hợp để tăng tuổi nghỉ hưu. Bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn nói là bộ máy cồng kềnh. Có đến 30% cán bộ công chức có cũng được, không cũng được. 30% cán bộ này là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Thế thì kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ kéo dài thời gian “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” này, không có tác dụng gì cho sự phát triển của đất nước cả.

Nhưng ở góc nhìn khác, lứa tuổi 50-60 mới bước vào độ chín, vẫn còn sức khỏe?

Tôi không biết họ nói có dựa trên nghiên cứu nào không, chứ theo nghiên cứu của tôi thì sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam khác xa các nước phát triển. Theo điều tra người cao tuổi Việt Nam năm 2011 thì có đến 2/3 tự đánh giá là yếu và rất yếu. Có 29% trả lời sức khỏe bình thường và có chưa đến 5% trả lời sức khỏe tốt. Giờ bắt họ làm việc thêm một vài năm thì không ổn. Cuộc điều tra ấy cũng cho biết là trung bình người cao tuổi Việt Nam mắc 2,7 bệnh. Sức khỏe rõ ràng không tốt. Thế hệ người cao tuổi như tôi, số người được đào tạo bài bản rất ít. Các cuộc tổng điều tra dân số gần đây, tỉ lệ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chỉ khoảng 13-14% thôi. Vậy là sức khỏe yếu, trình độ không cao thì tăng tuổi nghỉ hưu liệu có hiệu quả không?

Ở góc nhìn xã hội, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có tác động gì đến lực lượng lao động trẻ?

Đây chính là điều tôi trăn trở nhất khi nghiên cứu vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu.Thực tế trong nhiều cơ quan, người già “giữ ghế” không phải là chuyện hiếm. Để người trẻ có cơ hội thăng tiến, cơ hội tiếp cận việc làm mới, thì người già đến tuổi phải nghỉ.  Hiện nay số người trẻ Việt Nam thất nghiệp nhiều. Thậm chí người có trình độ cao vẫn thất nghiệp. Người trẻ thất nghiệp thì sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra. Còn người già thì ngược lại, khi đã tích lũy đủ rồi thì họ vẫn duy trì được cuộc sống bình thường.

Llàm thế nào để tận dụng được những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy được của người cao tuổi, vẫn còn sức nhưng đã đến tuổi nghỉ hưu?

Người có năng lực thì đâu phải cứ ở trong biên chế mới cống hiến được. Bây giờ khu vực tư nhân rất rộng mở đối với những người có năng lực. Giờ các doanh nghiệp họ cũng nhạy bén lắm, thấy người tài là họ mời ngay. Ông kế toán giỏi, bà làm bánh hay, đều dễ dàng tìm được việc để cống hiến. Cơ hội việc làm với người có năng lực thực sự không bao giờ đóng lại.

Lý thuyết là thế, nhưng thực tế thì…

Hẳn là việc nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu cũng phải có cơ sở khoa học, và như một vị tư lệnh ngành nói, không phải để “giữ ghế” thưa ông?

Về lý thuyết, đúng là Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ tăng nhanh nhất thế giới. Nếu như năm 1960, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 40 tuổi thì năm 2016 theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ của nữ là 76,1 và nam là 70,8. Nghĩa là đã tăng hơn 30 tuổi chỉ sau 50 năm.

Tuổi nghỉ hưu từ lúc tuổi thọ trung bình là 40, chúng ta vẫn quy định nam là 60, nữ là 55. Ngày nay, tuổi thọ trung bình của chúng ta đã ngang hàng với các nước phát triển như Mỹ. Với quy định độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay thì người ta tính toán rằng, sau khi nghỉ hưu, nữ sẽ tiếp tục sống thêm 24,75 năm nữa và nam là 18,3 năm nữa. Đây là khoảng thời gian rất dài nên dường như việc tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý, phải làm ngay, không chần chừ.

Thế nhưng?

Đặc điểm tình hình kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện có những đặc thù, mà nhức nhối nhất là chuyện người trẻ thất nghiệp. Năm 2017, có đến 48% số người thất nghiệp là thanh niên. Tăng tuổi nghỉ hưu, cũng đồng nghĩa gia tăng đội ngũ những người trẻ thất nghiệp. Đáng nói là có đến 54% số người thất nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 17% trình độ đại học, được đào tạo bài bản. Đây là điều rất đáng báo động nếu tăng tuổi hưu.

Việc làm sẽ vẫn được giải quyết mà vẫn tăng được tuổi nghỉ hưu nếu có những giải pháp phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh?

Chúng ta cứ nói cách mạng công nghiệp 4.0, phải chớp lấy thời cơ, nhưng ai là người có thể thực hiện thành công cuộc cách mạng này, nếu không phải là người trẻ? Tăng tuổi nghỉ hưu, cũng là tăng đội ngũ người già trong bộ máy, liệu có đáp ứng, tiệm cận được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Lứa tuổi những người hiện đã 60 là những người sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, kinh tế khó khăn nên sức khỏe không tốt như thế hệ sau này. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của họ cũng thua người trẻ. Kéo dài tuổi nghỉ hưu cũng đồng nghĩa sử dụng lao động kém về trình độ chuyên môn, sức khỏe. Trong khi lớp trẻ có sức khỏe, có trình độ chuyên môn tốt lại không được sử dụng.

Muốn cống hiến, nghỉ hưu vẫn nhiều cơ hội

Bản thân ông, khi nghỉ hưu, hình như ông vẫn làm rất nhiều việc?

Đúng thế, tôi có nhiều việc để làm. Việc tăng tuổi nghỉ hưu để tăng thời gian làm việc là không thỏa đáng. Nếu muốn, còn năng lực, còn sức khỏe, người đã nghỉ hưu vẫn có thể tiếp tục làm việc ở khu vực kinh tế tư nhân, làm chuyên gia. Còn người không có sức khỏe, không có chuyên môn, không thích làm, thì có thể nghỉ. Những người này nếu kéo dài tuổi hưu để ở lại thì cũng không đóng góp gì nhiều.

Đó là chưa kể sẽ là gánh nặng cho bộ máy, kéo dài sự ì trệ?

Thế nên việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng dễ dẫn đến tình trạng “tham quyền cố vị”. Trong khi đó, người có khả năng thì làm việc ở lĩnh vực nhà nước hay tư nhân cũng đều có thể phát huy được. Khi đã có tuổi, năng lực lại hạn chế, sức khỏe kém đi, thì hãy nhường chỗ cho người trẻ.

Nhưng khi đời sống đã nâng cao, sức khỏe được cải thiện, người cao tuổi mà vẫn còn sức khỏe thì cũng cần được tạo điều kiện?

Đúng là như thế. Trong gia đình bây giờ, người cao tuổi nghỉ hưu cũng có những vai trò rất cần thiết. Con cái đi làm, ông bà ở nhà trông cháu, đưa đón cháu đến trường, cơm nước, trợ giúp con cũng là một công việc tạo ra hiệu quả. Vị trí đó là không thể thay thế trong mô hình gia đình cơ bản hiện nay. Nếu không có ông bà giúp đỡ, thì phải thuê người giúp việc, hoặc thậm chí phải ở nhà trông con. Rõ ràng người cao tuổi luôn có cơ hội để giúp ích cho xã hội.

Theo ông thì khi nào mới nên tăng tuổi nghỉ hưu?

Tôi cho rằng chưa nên tăng ở thời điểm năm 2021 như dự thảo mà phải chờ ít nhất khoảng chục năm nữa.

Xin cảm ơn ông!

Theo dự thảo, phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. 

Theo Đời sống
Hà Nội: Giải cứu người đàn ông mắc kẹt trên mái nhà

Hà Nội: Giải cứu người đàn ông mắc kẹt trên mái nhà

Ngày 9/9, Công an quận Ba Đình thông tin, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an quận phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ giải cứu thành công một người bị thương, mắc kẹt trên mái nhà.
back to top