Thực phẩm chứa nhiều vitamin E.
Thiếu vitamin E dễ rối loạn thần kinh, vô sinh
ThS Lê Quốc Thịnh, Bệnh viện TW 71 Thanh Hóa, cho biết vitamin E là tên chung chỉ một nhóm các hợp chất thiên nhiên và tổng hợp là đồng phân của nhau, có tác dụng ngăn cản ôxy hoá các thành phần thiết yếu trong tế bào, bảo vệ màng tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Vitamin E chủ yếu có trong dầu thực vật như dầu lạc, dầu oliu.
Ở động vật có rất ít vitamin E, chỉ có chủ yếu ở gan. đặc điểm của vitamin này là nó cở dạng chất lỏng sánh, không mùi, không tan trong nước. Vitamin E tan trong dầu và dung môi hữu cơ, dễ bị phân hủy bởi chất oxy hóa và ánh sáng.
Trên thị trường, các dạng bào chế vitamin có nhiều loại, chủ yếu là các viên nang mềm hoặc đơn chất ( chỉ có mình vitamin E) hoặc phối hợp với nhiều vitamin khác như vitamin A hoặc vitamin C để dùng làm thuốc chống oxy hóa.
Theo ThS Lê Quốc Thịnh, vitamin E được chỉ định điều trị các rối loạn bệnh lý về da, điều trị hỗ trợ chứng gan nhiễm mỡ, tăng cholesterol máu, hỗ trợ điều trị vô sinh, suy giảm sản xuất tinh trùng ở nam giới.
Vitamin E là một loại vitamin rất dễ hòa tan trong chất béo, tồn tại ở dạng dầu sánh màu vàng kim hoặc vàng nhạt. Có hai loại vitamin E có nguồn gốc thiên nhiên và tổng hợp.
Vitamin E có nguồn gốc thiên nhiên được chiết xuất từ dầu thực vật như đậu tương, ngô, mầm lúa mạch, các loại hạt có dầu như hạt hướng dương… còn vitamin E tổng hợp được bào chế từ công nghệ hóa chất.
Về cơ chế hấp thu và sử dụng hai loại vitamin E thiên nhiên và tổng hợp trong cơ thể không có gì khác nhau, nhưng loại vitamin thiên nhiên được sử dụng nhiều hơn khoảng 50% so với loại tổng hợp.
Tác dụng của vitamin E tổng hợp thấp hơn so với loại có nguồn gốc thiên nhiên.
Vì vậy, nếu ăn uống hợp lý, đủ thành phần dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả, dầu thực vật thì không sợ thiếu vitamin E.
Khi cơ thể bị thiếu vitamin E có thể gặp các triệu chứng như rối loạn thần kinh, yếu cơ, rung giật nhãn cầu, giảm nhạy cảm về xúc giác, dễ tổn thương ở da, dễ vỡ hồng cầu, dễ gây tổn thương cơ quan sinh dục, có thể gây vô sinh…
Ăn thực phẩm nhiều vitamin E dễ thụ thai
ThS Le Quốc Thịnh nhấn mạnh, tác dụng của vitamin E chủ yếu là chất chống oxy hóa. Nó tham gia chuyển hóa acid nucleic, tạo các mô liên kết, bảo vệ hệ thống tuần hoàn, bảo vệ tính nguyên vẹn của màng tế bào đặc biệt là tế bào hồng cầu.
Vitamin này rất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ quan sinh dục của cả nam và nữ. Đối với phụ nữ mang thai, vitamin E góp phần thuận lợi cho quá trình mang thai, sự phát triển của thai nhi và giảm được tỷ lệ sẩy thai hoặc sinh non do đã trung hòa hoặc làm mất hiệu lực của gốc tự do trong cơ thể.
Vitamin E cũng làm giảm nhẹ các triệu chứng chuột rút, đau các bắp cơ hoặc đau bụng khi hành kinh ở các em gái tuổi vị thành niên.
Các em gái nếu được dùng vitamin E ngay từ đầu của kỳ kinh sẽ giảm được 36% đau khi hành kinh.
Ngoài ra, vitamin E còn góp phần cải thiện tình dục, giúp noãn (trứng) và tinh trùng phát triển tốt hơn, nâng cao kết quả điều trị vô sinh.
Vitamin E có thể giúp làm giảm tiến trình lão hóa của da và tóc cải thiện tình trạng da khô sạm, tóc gãy rụng…
Nói chung việc sử dụng vitamin E khá an toàn. Lượng dư thừa không được sử dụng sẽ nhanh chóng đào thải ra khỏi cơ thể. Liều cần thiết cho cơ thể sử dụng hàng ngày trung bình khoảng từ 100 – 400 đơn vị.
Vitamin E hầu như không có tác dụng phụ khi sử dụng ở liều thông thường. Tuy nhiên khi lạm dụng vitamin E, dùng liều quá cao có thể gây buồn nôn, dạ dày bị kích thích hoặc tiêu chảy, chóng mặt, nứt lưỡi hoặc viêm thanh quản. Những triệu chứng này sẽ nhanh chóng mất đi sau khi ngừng thuốc.
Cách tốt nhất để bổ sung vitamin E là sử dụng các thực phẩm chứa vitamin E có nguồn gốc thiên nhiên có nhiều chất béo như: đậu tương, giá đỗ, vừng, lạc, mầm lúa mạch, hạt hướng dương, dầu ô-liu…
Trong trường hợp nếu thiếu vitamin E hoặc phụ nữ mang thai, điều trị hỗ trợ các bệnh khác nên được các bác sĩ tư vấn và hướng dẫn sử dụng vitamin E.
“Không nên dùng liều cao vitamin E (3.000 đến 3.200mg/ngày) vì có thể gây rối loạn tiêu hóa. Chú ý bảo quản thuốc ở nơi mát và tránh ánh sáng vì vitamin E rất dễ bị biến đổi hoạt tính trong điều kiện nóng ẩm của nước ta” – ThS Lê Quốc Thịnh.
Nhật Hà