Bà Trương Tú Hạnh.
Căn nhà nhiều kỷ niệm
Căn phòng 16m2 của bà Trương Tú Hạnh trong con ngõ rất nhỏ trên phố Đồng Xuân (Hà Nội) đồ đạc hết sức đơn giản, một cái ghế sofa gỗ trải đệm để làm giường, một bộ bàn ghế và một cái tủ lạnh nhỏ, tivi thì treo trên tường, căn gác xép chỉ thấy toàn sách vở. Một cái bếp nhỏ để đun nấu ngay trước cửa. Mọi thứ đều đơn giản đến không thể giản đơn hơn được nữa.
Bà Hạnh sinh ra, lớn lên và sống cả đời ở chính căn nhà này. Trước đây ngôi nhà rất rộng, có sân vườn trồng hoa. Sau chia cho con cháu, nhiều người bán rồi chuyển đi nơi khác sống. Giờ chỉ còn bà sống ở đây, trên gác còn một gian làm phòng thờ, một gian phía trong cho thuê, gian phía ngoài cho thuê làm kho đựng hàng.
Bà kể, dù ở ngay chợ Đồng Xuân nổi tiếng, đất làm ăn buôn bán, nhưng các cụ lại bán phần đất mặt phố đi, ở sâu bên trong vì không muốn cho các con làm kinh doanh, cả bốn người con đều cho đi làm nhà nước.
Giờ nhiều thứ đã đổi thay, phố cổ thành phố khổ. Những ngày cuối tuần phố này thành phố đi bộ, người bán hàng chợ đêm để những thùng đựng hàng để phía sau thành nơi cho người qua lại đi vệ sinh. Cứ đến sáng thứ hai là khai mù cả lên, mấy bà bán nước gần đấy lại phải quét dọn, nếu không thì không thể chịu nổi.
Quanh năm lúc nào cũng đông đúc, ồn ào, chỉ có duy nhất sáng mùng một Tết là vắng vẻ, nên bà thường ra phố đứng từ đầu này nhìn suốt đến đầu kia phố, yên tĩnh thật giống thời xưa vậy.
Nhưng dù có thế nào bà cũng chẳng bao giờ nghĩ sẽ chuyển đi đâu bởi nơi đây mọi thứ đã thân quen, biết bao nhiêu kỷ niệm gắn bó từ thuở bé. Cái hồi trước giải phóng thủ đô, mấy anh chị em thường bám cửa nhìn ra đường xem lính Pháp đi lại. Cái cầu thang kia là nơi bà nhìn thấy chú bộ đội bước vào mà không nhận ra đó là cha mình vì từ khi sinh ra chưa được gặp mặt cha…
Nhìn đâu cũng thấy kỷ niệm. Lại còn bạn bè, chơi với nhau từ hồi học cấp 1, 2 ở trường Thanh Quan. Thế nên dù các cháu gái trong miền Nam đã nhiều lần bảo đón bà vào trong đó vì thấy bà tuổi cao, ở một mình không yên tâm, nhưng bà không muốn xa nơi này.
Căn phòng nhỏ trở thành nơi lưu giữ kỷ niệm của một đại gia đình. Để mỗi dịp giỗ, Tết anh em, con cháu lại về đây thắp hương cho các cụ.
Xung quanh nhiều người tốt
Trước đây bà Hạnh công tác tại Xí nghiệp bao bì xuất khẩu. Khi về hưu, theo truyền thống gia đình, cả ông nội và bố đều tham gia hội Chữ thập đỏ, bà cũng tham gia, lúc đầu là phát lương cho các cụ trong khu phố, sau tham gia vận động ủng hộ các chương trình của hội, là chi hội trưởng hội Chữ thập đỏ của phường, bà còn tham gia chương trình nồi cháo nhân đạo tại bệnh viện K Hà Nội.
Tham gia hoạt động ở phường cũng vui, nhất là mọi người lại biết nhau, biết hoàn cảnh của nhau nên ai có việc gì đều nhiệt tình giúp đỡ. Như bà Hạnh sống một mình nên những khi ốm đau, các cháu chưa đến kịp thì chị em trong khu phố đã sang chăm sóc, lo cơm nước cho. Xung quanh đây có nhiều người tốt lắm.
Không có gia đình riêng, nhưng bà Hạnh không lấy đó làm buồn. Các cháu con anh chị trước đây đều sinh ra dưới mái nhà này đều yêu quý, gọi bà bằng mẹ Hạnh. Và điều quan trọng là bà luôn nghĩ, cuộc sống của mình như thế, số phận mình thế phải biết chấp nhận thì sẽ thấy thoải mái, vui vẻ.
Sống một mình cũng có cái hay, đó là nhà tuy hơi chật nhưng luôn là nơi tụ tập gặp gỡ của bạn bè gần xa và bao nhiêu năm nay là nơi họp tổ dân phố.
Niềm vui của bà bây giờ là bạn bè, là những chuyến đi, là mỗi ngày được gặp gỡ, trò chuyện với những người thân quen trong khu phố.
Tuệ Minh