Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy.
Chỉ số hạnh phúc quan trọng hơn chỉ số phát triển
Câu chuyện về ý tưởng “gộp Tết tây với Tết ta” hay “bỏ Tết cổ truyền Nguyên Đán, sát nhập với Tết Dương lịch” đang gây tranh cãi trong dư luận. Đáng chú ý, trong số những lý do chính được những người có ý tưởng “gộp Tết tây với Tết ta” đưa ra là nhằm để hội nhập, tiết kiệm thời gian, tiền của cho doanh nghiệp, kinh tế đất nước… Bà nghĩ sao về đề xuất này?
Trước tiên, quan điểm của tôi là giữ lại Tết cổ truyền. Tết với tôi và với nhiều người khác luôn là một thứ gì đó rất linh thiêng. Tết, gia đình, anh em, họ hàng, cộng đồng, không gian văn hóa, sự gắn kết, đó là tất cả của Tết. Người ta cho rằng không nghỉ Tết, hoặc gộp Tết lại thì sẽ tiết kiệm được. Nhưng tôi thử hỏi, một người làm việc trong sự buồn nhớ quê hương nặng trĩu, liệu có tạo ra hiệu quả công việc cao. Hay để người ta về thăm quê, nghỉ ngơi, sau đó trở lại đầy năng lượng sáng tạo, thì sẽ tốt hơn. Nên dù là bài toán kinh tế, tôi cũng thấy khó mà có hiệu quả nếu gộp Tết.
Chắc hẳn nếu thế, lâu rồi sẽ quen?
Tết là một thứ ăn vào máu thịt của mỗi người rồi. Tết đến, ai cũng tất bật về với gia đình, thăm thú anh em họ hàng. Sau cả một năm dài làm ăn mỏi mệt, Tết họ được nghỉ ngơi, được gắn kết.
Đó là một phần không thể thiếu trong đời sống con người. Nghỉ Tết, nhà nào cũng phải tiêu nhiều tiền hơn, dù tiền làm ra thì tạm thời ngưng lại. Nhưng chắc hẳn, ai cũng hạnh phúc hơn vì được về bên gia đình. Chỉ số hạnh phúc vì thế cũng cao hơn. Mà ở góc độ nào đó, chỉ số hạnh phúc còn quan trọng hơn chỉ số tăng trưởng.
Phải chăng đó là quan điểm cũ, đã cổ hủ?
Tôi cho là không. Không ai có thể ngờ được không khí đón đội tuyển bóng đá U23 lại náo nhiệt đến như thế. Đường phố chật ních cờ hoa chào mừng. Đó là bởi lòng yêu nước, tự hào dân tộc chảy trong dòng máu mỗi người Việt. Động đến phạm trù đó là động đến sâu thẳm trong mỗi con người. Không gì có thể xóa bỏ, dập tắt đi được.
Tôi cũng rất đồng tình với bà, có những thứ tình yêu, giá trị tinh thần đã ăn vào máu thịt?
Đọc lịch sử có câu chuyện Mã Viện sau khi đánh Hai Bà Trưng đã để lại toàn bộ lính nhằm mục tiêu lấy vợ và đồng hóa người Việt. Tuy nhiên họ không thể thành công. Người Việt Nam dù mang họ Mã hay họ gì, họ vẫn là người Việt. Tôi cho rằng, Tết là một điều thiêng liêng với người Việt Nam. Nên việc đề xuất gộp Tết chắc chắn không làm được.
Bỏ Tết là bỏ gia đình
Bà là phụ nữ, bà có cảm thấy mệt không khi cứ Tết đến là lo ăn uống, bếp núc, mời anh em họ hàng, dọn dẹp lúi húi suốt mấy ngày?
Nếu biết vun vén, biết vận dụng những tiến bộ của đời sống thì tôi cho rằng những phiền toái ấy sẽ chẳng là gì. Giờ cách mạng công nghiệp 4.0 rồi, ngồi ở nhà, chỉ cần gọi điện thoại là có ngay tất cả mọi thứ. Bánh chưng, giò, mứt, rượu, thậm chí là xôi, gà… bất cứ thứ gì cũng có dịch vụ cung cấp rồi. Sao ta không tận dụng nó để làm giảm gánh nặng mỏi mệt bấy lâu, cho cái Tết nó hợp thời, trọn vẹn?
Được biết có một số nước châu Á cũng bỏ Tết cổ truyền thành công?
Đúng thế, Nhật Bản đã gộp Tết từ mấy năm nay. Nhưng hậu quả phải đối mặt là mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo. Tôi có người thân sống ở Nhật. Họ bảo bên đó người ta chỉ say sưa làm việc. Có khi làm việc đến 3h sáng mới về nhà, nhiều hôm không về nữa, đỡ mất công đi lại. Đó là sự đánh đổi, với một cái giá tôi nghĩ là không rẻ. Bỏ Tết như thế, đồng nghĩa với bỏ gia đình.
Nhưng Tết ở ta chơi lâu quá, “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”?
Chúng ta là dân trồng lúa nước. Cứ sau khi cấy hái xong thì mưa xuân, hoa xoan nở, đồng ruộng không phải chăm lo tưới bón nên nghỉ dài, rồi các lễ hội nối đuôi nhau. Vấn đề là điều chỉnh làm sao để hạn chế được những bất cập đó. Giờ chúng ta phải làm khác đi, làm sao Tết 4.0 vẫn đầy đủ bản sắc, mà lại không ảnh hưởng đến sản xuất. Tính làm sao cho hài hòa.
Bà có nói đến việc Tết là sự sum họp, là hạnh phúc, làm thế nào để niềm hạnh phúc ấy không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nói chung?
Thực ra Tết chỉ có 3 ngày. Cái chúng ta phải điều chỉnh là các lễ hội. Hết chùa Hương lại đến Hội Lim, đền Gióng, đền Hùng… kéo dài hết cả 3 tháng. Người người nô nức đi lễ hội, có người bỏ cả nhiệm sở đi lễ là không ổn. Còn nếu chỉ mấy ngày nghỉ Tết thì tôi nghĩ không vấn đề gì.
Tết thời 4.0
Giả sử như đi đặt mua hết từ bánh chưng đến cân giò, liệu có còn không khí Tết, và người phụ nữ trong gia đình như thế có bị mang tiếng là đoảng?
Thực ra Tết là sự sum họp, vui vầy, gặp mặt. Việc tận dụng những điều kiện, công nghệ, dịch vụ có sẵn để làm giảm nhẹ các phần việc đi là điều tất nhiên, không có gì đáng chê trách. Giờ người ta cứ bảo, cái gì cũng sẵn, bánh chưng quanh năm bán đầu phố, giò, mứt, kẹo, thiếu gì đâu.
Nhưng ngồi quanh mâm cơm ngày Tết là đầy đủ các thành viên trong gia đình, miếng bánh chưng nó có vị thơm ngon đặc trưng. Nó không phải là miếng bánh ăn bốc bải thường ngày nữa. Tết là Tết ở chỗ ấy.
Bà có thấy buồn vì có những người suy nghĩ rằng “ôi dào, giờ có thiếu đói gì mà mong Tết”?
Đúng là về vật chất thì chẳng thiếu gì. Quanh năm có thể ăn bất cứ món ăn nào ngày Tết. Nhưng cái thiếu là tình cảm, là sự gắn kết gia đình, mẹ cha, anh em, họ hàng, là sự thăm hỏi, chúc nhau những điều tốt lành, nói với nhau những điều an vui, thì không phải ngày nào cũng có được. Nên người suy nghĩ như thế là thiển cận.
Ở điểm này tôi rất đồng tình với bà!
Tết, con cái đem tiền về quê xây dựng, tu sửa nhà cửa, mua sắm đồ dùng vật dụng cho cha mẹ, biếu cha mẹ quà cáp, thắp nén hương cho ông bà tổ tiên. Chỉ có làm được như thế, lòng con người ta mới an yên để trở lại phố xá tiếp tục kiếm sống. Ở thành phố có thể tạm bợ, có thể thuê nhà, có thể chật chội, kham khổ, nhưng đã về quê là phải đàng hoàng.
Bà có lời khuyên nào cho chị em để Tết bớt đi mệt mỏi do ăn uống, thăm hỏi triền miên?
Bây giờ, chị em hoàn toàn có thể nhờ đến sự trợ giúp của công nghệ. Việc gì cần thiết có thể đặt dịch vụ, đó không phải là cái gì xấu cả. Miễn sao gia đình vẫn có một cái Tết đầm ấm, sum vầy là được. Thậm chí giờ có những dịch vụ đặt cỗ online trọn gói, không phải làm gì vẫn có mâm cỗ, nếu chúng ta quá bận rộn. Hãy giản tiện những thứ rườm rà, phức tạp, mỏi mệt để có một cái Tết đúng nghĩa là sự đoàn tụ, sum vầy.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
“Nhiều người cho rằng, Tết bây giờ “nhạt”, chán lắm. Tết là một loại lễ hội sâu sắc nhất mà không một lễ hội nào sánh được. Ngày xưa, Tết không có gì mà ăn cả, gói cả sắn lẫn gạo nấu lên thay bánh chưng. Một bộ quần áo mới cũng không có mà mặc. Bây giờ, Tết sung túc gấp ngàn lần, thì lại bảo là “nhạt”. Còn “nhạt” là do người ta nghĩ, chứ không phải bản chất cuộc sống thế. Do tình cảm họ nhạt thôi. Ai đi xa cũng thu xếp cuối năm để về đoàn tụ cùng gia đình. Hoặc nếu không có điều kiện để về, người ta cũng có thể gọi điện thoại, chúc mừng. Sao lại nhạt nhỉ? Chỉ những người sống nhạt mới nghĩ Tết nhạt”.
Tô Hội (thực hiện)