Sống hạnh phúc giúp người già sống thọ hơn.
Giảm 35% nguy cơ tử vong
Theo Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS), những người hạnh phúc không chỉ tận hưởng cuộc sống mà còn có khả năng sống thọ hơn. Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học tại Đại học College London (UCL) đã phát hiện ra rằng những người luôn ở trong tâm trạng tốt giảm được 35% khả năng tử vong trong vòng 5 năm sau đó.
Các nhà khoa học cho biết họ đánh giá mức độ hạnh phúc của các đối tượng tham gia nghiên cứu qua các câu hỏi và kết quả nghiên cứu các mẫu nước bọt của họ, phân tích các kích thích tố trong đó để đánh giá cảm xúc hạnh phúc, vui mừng, lo lắng, và sợ hãi mà họ đã cảm thấy.
7,3% trong số 924 người ít có các cảm xúc tích cực nhất, đã chết trong vòng 5 năm. Đối với những người có cảm xúc tích cực nhất, tỷ lệ giảm một nửa, xuống còn 3,6%.
Ngay cả khi đã tính toán loại trừ các yếu tố khác ảnh hưởng đến cả tỷ lệ tử vong và tâm trạng, thì nguy cơ tử vong trong vòng 5 năm sau đó ở những người hạnh phúc nhất vẫn thấp hơn 35% so với những người kém hạnh phúc nhất. Nghiên cứu cho thấy tâm trạng tốt có tương quan với cuộc sống lâu dài, ngoài ra hoàn cảnh cuộc sống của người dân cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tuổi thọ, cụ thể, người lớn tuổi cần có đủ tài chính để đảm bảo cuộc sống, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ xã hội tốt.
BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sỹ Bệnh viện 105, cho rằng nếu là người yêu thích trẻ con thì việc trông cháu giúp con cái cũng sẽ là một niềm vui với người cao tuổi; tuy nhiên cần hết sức chú ý không để công việc này trở thành gánh nặng cho bản thân. Hãy dành thời gian cho bản thân, làm những việc mình yêu thích, để có cảm xúc tích cực và hài lòng với cuộc sống. Khi đó sẽ có hứng thú luyện tập tốt hơn, ăn ngủ tốt hơn, theo dõi sức khỏe thường xuyên và sống thân thiện với gia đình và bạn bè… – tất cả những điều đó đều có lợi cho sức khỏe và tâm lý của người cao tuổi, giúp người cao tuổi sống thọ hơn.
Sống tích cực để hạnh phúc
Theo TS Paul Takahashi, chuyên gia lão khoa tại Phòng khám Mayo (Mỹ), mọi người thường dành nhiều thời gian để làm những việc không thực sự có lợi cho sức khỏe của họ, ví dụ như xem ti vi.
Tốt nhất hãy loại bỏ những hoạt động kiểu này khỏi cuộc sống, từ đó sẽ có nhiều thời gian để làm những việc yêu thích mà cũng có lợi cho sức khỏe. Hãy bắt đầu bằng việc lập danh sách những hoạt động ưa thích, có thể đem lại niềm vui cho mình, như làm vườn, nghe nhạc hoặc chỉ đơn giản là xem mặt trời lặn, hay nhấm nháp một tách trà, thưởng thức mùi vị tuyệt vời của nó.
Hãy dành nhiều thời gian cho những hoạt động phù hợp với sức khỏe. Biến thói quen có lợi cho sức khỏe thành sự thích thú của bản thân và vui vẻ thực hiện. Ví dụ, duy trì động cơ luyện tập bằng cách chọn các hoạt động mà mình thích và luyện tập cùng với bạn bè, người thân.
Ngoài ra, TS Paul Takahashi cũng khuyên người cao tuổi nên duy trì hoạt động tình dục một cách hợp lý; lý do là vì cuộc sống tình dục thỏa mãn cũng giúp người cao tuổi tìm thấy niềm vui, điều chỉnh tâm lý và thậm chí giúp đốt cháy một chút calo giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. “Có thể việc đáp ứng tình dục ở người cao tuổi giảm đi, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cần phải kìm hãm cảm xúc tích cực giúp kéo dài tuổi thọ”.
Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm, cho rằng: Cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc luôn có ảnh hưởng tích cực đến người già, giúp người già có tính thần tươi vui, phấn chấn, đẩy lùi bệnh tật và sự già nua, ốm yếu, để sống khỏe, sống thọ hơn.
“Người già đừng quá hy sinh hết quỹ thời gian vì con vì cháu, mà phải biết dành cho mình những khoảng thời gian nhất định để hưởng thụ những ngày tháng vui vẻ, hạnh phúc cuối đời. Con cái cũng nên quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện để ông bà được vui vầy bên gia đình, đồng thời cũng động viên ông bà làm những việc mình thích, những việc mà khi còn trẻ vì bận chăm lo cuộc sống chưa có điều kiện thực hiện”.
Đức Anh