Hình minh họa.
Lại thêm cái chết của 2 em bé học lớp 3, lớp 4 ở Bát Xát, Lào Cai do ăn lá ngón tự tử. Nguyên nhân chỉ đơn giản là một em đánh mất điện thoại của bố, sợ bị mắng nên rủ bạn cùng chết.
Có lẽ các em còn quá bé và chưa hiểu gì về cái chết nên mới dễ dàng tìm đến cái chết như vậy.
Đọc về cái chết của hai em, tôi cứ băn khoăn mãi. Chúng ta, những người lớn, những người làm cha, làm mẹ đã dạy gì cho con cái mình về sự sống và cái chết?
Và ngay chính bản thân chúng ta liệu có hiểu một điều, trên đời này sự sống là vô cùng quý giá.
Điều này thấy rõ nhất trong các bệnh viện phụ sản, đặc biệt là tại các phòng sinh non. Một đứa trẻ mới ra đời được có mấy lạng, sự sống thật mong manh.
Những ông bố, bà mẹ như nín thở mỗi lần vào thăm con, họ làm mọi điều có thể để giữ cho sự sống ấy được tiếp tục. Chỉ một việc con được chuyển từ phòng hồi sức sang phòng non cũng khiến họ mừng rơi nước mắt.
Hay tại các bệnh viện, khi phải đối mặt với bệnh tật, khi cận kề cái chết, con người ta mới hiểu giá trị của sự sống, muốn đánh đổi tất cả để được sống.
Nhưng trong cuộc sống nhiều khi người ta quá coi trọng vật chất đến mức làm lu mờ mọi giá trị khác.
Một vết xước trên chiếc xe máy, ô tô do va chạm trên đường cũng khiến họ đau xót đến mức nhảy bổ vào nhau, bất chấp nguy hiểm.
Một mảnh đất cũng gây tranh chấp đến mức mất hết cả tình nghĩa ruột thịt. Vì một hợp đồng mà người ta lừa nhau đến mất hết cả tình bạn.
Con làm mất xe đạp, điện thoại, bị điểm kém, không vào được trường chuyên, lớp chọn, trượt đại học… thì bị người lớn mắng mỏ, dọa dẫm, thậm chí xỉ nhục.
Điều đó khiến con trẻ hiểu rằng với cha mẹ, bản thân đứa bé không quan trọng bằng những đồ vật mà nó đã trót đánh mất, không bằng những thành tích mà nó phải đạt được.
Để rồi khi có chuyện gì đó xảy ra, cách đơn giản nhất mà nó có thể làm được là tự hủy hoại bản thân mình.
Mỗi cái chết đều đem đến cho ta một cảm giác buồn.
Nhưng cái chết của những đứa trẻ mới 9-10 tuổi càng khiến ta phải day dứt. Bởi mọi lỗi lầm đều có thể sửa được, trừ cái chết.
Minh Anh