Bộ trưởng hãy giải quyết vấn đề trước khi chất vấn

Theo dõi các phiên chất vấn của Quốc hội từ đầu đến cuối, ông Phan Văn Độ, cử tri phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng, kỳ họp lần này có bước cải tiến rất lớn là việc chất vấn không còn vòng vo, nói xa xôi  nữa mà thành hỏi nhanh, đáp gọn. Tuy nhiên, bộ trưởng, với tư cách đứng đầu ngành, thì phải nắm được các vấn đề của ngành mình để giải quyết trước. Không nên đến khi đăng đàn mới nắm được vấn đề để trả lời.

Hỏi nhanh, trả lời thẳng              

Ông có theo dõi các phiên chất vấn của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra?

Có chứ, tôi theo dõi không sót phiên nào. 4 bộ trưởng đứng đầu ngành giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, tài nguyên môi trường và lao động thương binh xã hội đều trả lời rất thẳng thắn. Các đại biểu cũng hỏi những vấn đề khá sát với thực tế, được nhiều cử tri quan tâm.

Có khác biệt nào của các phiên chất vấn kỳ họp này với các kỳ họp trước?

Khác biệt rất lớn là các đại biểu hỏi và trả lời rất nhanh. Không có tình trạng né tránh, trả lời lòng vòng, không đi vào trọng tâm vấn đề hay đùn đẩy trách nhiệm, “đá bóng” sang ngành khác. Do đó, giải quyết được nhiều ý kiến, nhiều vấn đề khác nhau.

Ông ấn tượng với phiên chất vấn nào?

Phần trả lời của Bộ trưởng Bộ TN&MT và Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH có vẻ chắc chắn hơn, đưa ra những lý lẽ thuyết phục hơn. Bộ GD&ĐT, GTVT trả lời còn chung chung, chưa đi đến tận cùng vấn đề. Tuy nhiên, cũng có những đại biểu đặt câu hỏi chưa trúng, chưa nêu được vấn đề nhiều người quan tâm mà đi vào những cái vụn vặt, tiểu tiết. Có những câu hỏi trùng lắp về nội dung.

Thời lượng trả lời ngắn, bộ trưởng trả lời nhanh, liệu có làm thỏa mãn cử tri?

Có những phần trả lời chưa hết ý đại biểu, nhưng có lẽ cũng nên thông cảm với các bộ trưởng vì cùng lúc phải đề cập tới rất nhiều vấn đề khác nhau. Điều đáng mừng là các phiên chất vấn đi từ nói thẳng, không né tránh các vấn đề nhạy cảm, vấn đề khó, chuyển sang nói nhanh, nói trúng, nói dứt điểm, không vòng vo.

Tôi cho rằng với những biến chuyển như thế, Quốc hội sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả, vai trò giám sát sẽ ngày càng được nâng cao.

Bản thân ông có hài lòng với phần trả lời của các bộ trưởng?

Các đại biểu đưa ra rất nhiều vấn đề sát sườn với thực tế và mối quan tâm của cử tri trong cả nước. Rất nhiều vấn đề nóng được nói thẳng là điều đáng mừng. Các bộ trưởng cũng trả lời thẳng thắn, trực diện chứ không “vòng vo tam quốc” nhiều. Tôi rất thích cách đặt vấn đề và trả lời vấn đề đó.

Qua các câu trả lời cho thấy chính các bộ trưởng cũng đang rất trăn trở và tìm ra hướng đi, hướng giải quyết. Điều đó cho thấy những vấn đề bức xúc của dư luận, các bộ trưởng đều nắm được. Có điều việc giải quyết các vấn đề đó đến đâu thì phải xem xét sau.

Không nên đăng đàn rồi mới giải quyết

Như ông nói, các bộ trưởng đều nắm được vấn đề của ngành mình, ông đánh giá thế nào về câu trả lời các bộ trưởng đưa ra?

Có một điều tôi thấy còn băn khoăn, đó là việc các tư lệnh ngành dường như chờ đến khi đăng đàn trả lời chất vấn mới giải quyết vấn đề, trong khi những vấn đề đại biểu đưa ra đều đã cũ, ai cũng biết cả rồi. Ví dụ như tai nạn liên tiếp ngành đường sắt, bao nhiêu năm nay ai cũng biết là do đường sắt đã quá cũ, lỗi thời, quản lý yếu kém.

Hay chuyện các cháu nhỏ học quá tải, dường như không có nghỉ hè, mất tuổi thơ, kiến thức không đi cùng thực tiễn, ra trường vẫn trống rỗng. Sinh viên sư phạm đầu vào thấp, giáo viên khó khăn… Đó là những vấn đề cũ. Đáng lẽ bộ trưởng phải có giải pháp tháo gỡ, giải quyết từ trước khi đăng đàn, thì tốt hơn.

Nhưng việc đó khó và cần có thời gian?

Bộ trưởng phải nắm được khái quát về ngành mình, đặt ra chiến lược phát triển và giải quyết những tồn tại, bất cập. Từ đó tư vấn chính sách thực hiện. Nghĩa là những bức xúc ấy bộ trưởng phải nắm được rồi, phải biết trước rồi. Không phải chờ đến khi đăng đàn Quốc hội mới trả lời. Nếu bộ trưởng xử lý những bức xúc ấy trước khi đăng đàn trả lời chất vấn thì có phải tốt hơn bao nhiêu không.

Chắc có lẽ phải thông cảm với các bộ trưởng vì để giải quyết những vấn đề ấy không dễ?

Đúng thế, cử tri rất thông cảm. Vấn đề là các bộ trưởng nên chủ động giải quyết những bức xúc ấy trước các kỳ họp Quốc hội thì sẽ tốt hơn. Nó thể hiện bộ trưởng đã chủ động, thay vì bị động ngồi chờ đại biểu hỏi.

Ông nói thế, tôi nghĩ đến việc giám sát lời hứa của các bộ trưởng. Trả lời thế nào không quan trọng bằng giải quyết thế nào, có xử lý được vấn đề không, ông có nghĩ thế?

Đó là cơ chế giám sát của Quốc hội. Việc các bộ trưởng chỉ đạo giải quyết các vấn đề thế nào cũng được các cử tri giám sát. Tuy nhiên, cũng rất khó để nói vấn đề đã được xử lý chưa, từ kỳ họp này đến kỳ họp sau có 6 tháng. Và có khi kỳ này trả lời chất vấn rồi thì kỳ sau không phải trả lời nữa. Có những vấn đề phải nhiều, rất nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ mới làm được.

 Đại biểu đừng chỉ biết chất vấn

Theo đánh giá của cá nhân ông thì những vấn đề được các đại biểu chất vấn lần này đã phản ánh đúng những thắc mắc của cử tri, bức xúc của người dân?

Tất cả các vấn đề được đặt ra lần này đều rất nóng, thời sự, cử tri và người dân rất quan tâm. Tuy vậy tôi cũng đặt vấn đề với các đại biểu Quốc hội là các vị không chỉ có nghĩa vụ hỏi, chất vấn ở nghị trường mà còn phải chịu trách nhiệm với những vấn đề xảy ra ở địa phương mình. Vì đại biểu Quốc hội được bầu ra để đại diện cho nhân dân giám sát chính quyền. Có việc xảy ra mà đại biểu không biết, hoặc không báo cáo, không thể hiện thái độ gì thì đại biểu cũng phải chịu trách nhiệm.

Ý ông là có những vấn đề đại biểu đưa ra, chính đại biểu phải có trách nhiệm trong đó?

Đúng thế. Có người ở địa phương xảy ra việc thì đại biểu không nói gì, không làm gì, nhưng khi họp Quốc hội lại đưa ra chất vấn. Đại biểu có trách nhiệm giám sát chính quyền địa phương. Các vấn đề như xây nhà không phép, lấn chiếm đất, phá rừng… đại biểu phải nắm được. Không phải chờ 6 tháng đến kỳ họp Quốc hội mới đem ra chất vấn. Chính các đại biểu phải thể hiện trách nhiệm của mình, trước khi chất vấn các bộ trưởng.

Nhưng nếu chỉ giám sát không thôi thì đại biểu làm được gì?

Nếu có sự việc xảy ra, đại biểu Quốc hội phải là người nêu vấn đề và kiến nghị xử lý, giải quyết với các cơ quan có thẩm quyền. Như thế mới thể hiện vai trò của mình một cách thiết thực. Còn nếu chỉ chờ đến kỳ họp để phát biểu xong rồi thôi, tôi cho là không có ý nghĩa lắm. Và cử tri mong mỏi các đại biểu của mình không chỉ là phát biểu, mà còn phải biết hành động.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp thứ 5 tiếp tục có những cải tiến, đổi mới theo hướng tiết kiệm thời gian, tăng cường đối thoại, tranh luận. Đặc biệt, phiên chất vấn được tổ chức theo thể thức “hỏi nhanh, đáp gọn”. Đây là thể thức đã được thí điểm tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 3-2018), với việc chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh. Theo đó, mỗi đại biểu sẽ đặt câu hỏi 1 phút. 3 đại biểu hỏi thì bộ trưởng trả lời. Đây là một cải tiến để giảm áp lực cho các bộ trưởng, đồng thời tăng cường số lượng đại biểu chất vấn, nâng cao hiệu quả của hoạt động này.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
back to top