Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi khẳng định tên gọi vẫn là học phí

Thực tế học phí không bao trùm các chi phí mà cơ sở đào tạo cung cấp và trong đó có một số loại chi phí mà Nhà nước đặt hàng. Những loại chi phí này phải tính theo đơn giá, và phải áp dụng theo luật giá mới tính được giá. Nhưng tôi khẳng định tên gọi vẫn là học phí”, Đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết.
học phí

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong phiên thảo luận ở tổ bàn về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật giáo dục đại học chiều 30/5. Ảnh KH&ĐS.

Tên gọi vẫn là học phí

Thưa Bộ trưởng, dư luận đang “dậy sóng” với đề nghị đổi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” của Bộ GD&ĐT. Bộ trưởng có suy nghĩ gì trước phản ứng này của dư luận?

Theo tôi, dư luận phản ứng có hai lý do, thứ nhất là do chưa đủ thông tin. Điểm thứ hai là trước cái mới, lại chưa hiểu đầy đủ thì thường mọi người phản ứng theo hiệu ứng đám đông. Và nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao để cho mọi người hiểu.

Vậy hiểu đúng của cụm từ “giá dịch vụ đào tạo” sẽ là như thế nào?

Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho người cung cấp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ. Nhưng trong thực tế học phí không bao trùm hết các chi phí mà cơ sở đào tạo cung cấp, trong đó có một số loại chi phí mà Nhà nước đặt hàng. Ví dụ như giao đào tạo bao nhiêu người. Như vậy phải có định mức. Mà định mức thì phải áp dụng theo luật giá mới tính được.

Như vậy có thể hiểu là ngoài học phí, thì người học sẽ phải đóng thêm một khoản tiền theo luật giá?

Trong thực tế, phải thấy một điều chi phí cho một hoạt động đào tạo của một học sinh, sinh viên nếu chỉ tính vào học phí mà người học phải trả ở các trường công lập thì vẫn chưa đủ. Bởi vì thực tế, Nhà nước phải lo rất nhiều.

Cho nên, nói học phí là tất cả sẽ không đúng, nó chỉ là một phần thôi. Phần còn lại tương đối lớn Nhà nước vẫn phải bao, phải chi. Thế thì từng bước một tính toán lại. Vì Nhà nước không thể bao cấp được tất cả các tiền đó. Những dịch vụ thêm thì anh phải đóng thêm vào, và theo quy định của luật giá tách ra.

Vậy có sự “đánh tráo khái niệm”, “nhập nhèm” giữa việc “học phí” lại chuyển thành “giá dịch vụ đào tạo” không?

Về tên gọi tôi khẳng định ngay tên gọi vẫn gọi là học phí chứ không phải bỏ học phí. Ở đây có sự hiểu chưa đúng. Giá dịch vụ ở đây là cơ chế tính giá mà theo luật giá gồm có phí, các chi phí liên quan đến hoạt động. Như tôi đã nói, học phí thì có thể chỉ là một phần thôi chứ không phải là tất cả. Thậm chí sau này, học sinh vẫn đóng học phí bình thường. Nhưng cơ sở giáo dục ngoài ra còn thu nhiều khoản khác nữa chứ không phải chỉ thu nguyên học phí của người học.

Điều 105 của Luật giáo dục đã ghi rõ học phí rồi. Đây là bổ sung thêm để cho rõ thôi. Bởi Luật giáo dục bao trùm hết. Nó là khung. Còn Luật giáo dục đại học chỉ thêm, trên cơ sở những gì trong Luật giáo dục chưa được quy định thì cụ thể hơn. Vì có thêm nhiều loại chi phí khác cho nên thêm một điều nữa gọi là Giá dịch vụ đào tạo cho phù hợp với luật giá.

Hiểu giá dịch vụ sẽ thương mại hóa là không phải

Tức là nếu hiểu đầy đủ ở đây là phải có hai luật song song? Nó có dẫn tới sự khó khăn, rắc rối khi sử dụng, nhất là về tên gọi?

Nếu hiểu đầy đủ phải hiểu hai luật. Sau này gọi tên thì có thể vẫn gọi là học phí bình thường không sao, nhưng cấu thành học phí với giá dịch vụ đào tạo thì không phải lúc nào cũng là một. Ở đây nói rõ về nội hàm, về chuyên môn, nội hàm hai cái khác nhau còn tên gọi thì có thể  kết hợp.

Liệu việc có thêm “giá dịch vụ đào tạo” có tạo điều kiện cho các đơn vị tự ý thu thêm các khoản tiền đối với người học không?

Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tính theo khung giá được áp vào chứ không phải tùy tiện tính bao nhiêu thì tính. Ví dụ ngay cả về lệ phí thi thì sẽ không gọi là lệ phí thi nữa mà trong giá dịch vụ ấy cũng phải được xem xét. Nhưng phải được Bộ Tài chính đồng ý thì mới được ban hành, chứ không phải tùy tiện.

Những khoản tiền mà đơn vị được thu và tính trong định mức thì cũng phải xây dựng thang tính đúng tính đủ. Như vậy, giá dịch vụ ở đây được hiểu là những chi phí tính đúng tính đủ mà một cơ sở đào tạo cần phải có để được cấp dịch vụ đào tạo.

Chứ không phải là thêm giá dịch vụ đào tạo thì các trường sẽ bị “thương mại hóa”?

Như tôi đã nói, trong Luật giáo dục đại học có thêm một điều là giá dịch vụ để phù hợp với tính đúng tính đủ theo luật giá. Còn trong Luật giáo dục thì vẫn gọi là học phí. Một số người không hiểu, không kết hợp hai luật với nhau.

Trong điều 105 của Luật giáo dục thì vẫn quy định là học phí. Còn điều 65 của Luật giáo dục dự thảo thì thêm một điều nói rõ về giá dịch vụ. Theo đó, sau này có lộ trình để tính học phí theo nghị định 16 và tinh thần nghị quyết  19 T.Ư là từng bước các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có phí giáo dục tính đúng tính đủ. Theo giá dịch vụ có cả rồi, chứ hiểu giá dịch vụ là thương mại hóa thì không phải.

Hạn chế lạm thu

Nhưng nhiều ý kiến vẫn lo ngại về sự lạm thu khi có giá dịch vụ đào tạo này, ý kiến Bộ trưởng thế nào?

Trước kia lạm thu vì mình chỉ có học phí, và người đi học nghĩ chỉ đóng học phí là hết, không còn gì khác. Thế nhưng bây giờ thì học phí là một phần thôi. Ngoài ra, còn rất nhiều những khoản dịch vụ khác phải công khai, minh bạch. Giá dịch vụ thông thường lớn hơn học phí nhiều, toàn phần.

Người học trước đây đóng học phí một phần, có thể toàn phần nhưng giá dịch vụ mà cơ sở cung cấp ấy phải thu đủ để chi cho các hoạt động khác. Như vậy trong Luật giáo dục đại học nó thêm một điều, để cho rõ chứ không phải thay thế học phí. Dư luận lo ngại là do chưa nắm rõ,đủ thông tin.

Vậy sự minh bạch ở đây sẽ được giám sát ra sao?

Muốn chất lượng cao thì chi phí phải phù hợp. Mà chi phí theo luật về giá phải theo danh mục của các chi phí được thanh quyết toán. Cái này liên quan cả thuế. Sau này kiểm toán, tất cả những khoản này vào đâu là theo danh mục, mà theo luật ban hành văn bản luật pháp phải đồng bộ với nhau.

Trước kia chưa có luật này thì người ta cứ gọi là đóng góp thêm, xã hội hóa, nhưng giờ rõ ràng anh chi vào việc gì phải có cơ cấu, mục tiêu chi và phải được công khai lên.

Cái này mới là sự mạch lạc, ngăn chặn lạm thu. Vì nếu tính theo giá dịch vụ phải tính đúng tính đủ, chứ không phải muốn thu gì thì thu.

Thực tế kinh nghiệm ở các nước như thế nào?

Các nước cũng như vậy thôi. Thực ra xuất phát từ việc Nhà nước mình không đủ tiền nên cần có sự chia sẻ giữa người học và chính quyền, nhưng trên cơ sở giá đó là tính đúng tính đủ và công khai, minh bạch. Cái luật giá quy định như vậy. Và nó tạo nên  sự đồng nhất chứ không phải bừa bãi mỗi trường thu một kiểu. Tôi rất tiếc là dư luận nghe chưa đủ thì đã phản ứng. Nó khác câu chuyện về phí giao thông.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Trình bày trước Quốc hội sáng 30/5 các nội dung sửa đổi bổ sung Luật giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập đổi cụm từ “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”. Theo Bộ trưởng, tên gọi “giá dịch vụ đào tạo” được đề xuất trong Luật giáo dục đại học sửa đổi được hiểu là bao gồm phí dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác…

Đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện thì Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính quy định khung giá và giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; khung giá, giá tối đa và giá cụ thể dịch vụ tuyển sinh.

Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước: cơ sở giáo dục đại học xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh.

 Mai Loan (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top