Tượng thờ Phùng Hưng.
Chưa rõ về năm mất
Chính sử chép rằng, ông cầm quyền cai trị và đã qua đời ngay trong năm 791. Các sử gia hiện nay xác định ông mất khoảng tháng 5 năm 791.
Nhưng nguồn dã sử Việt điện U linh của Lý Tế Xuyên và giai thoại dân gian cho rằng: ông cầm quyền được 7 năm, nhưng lại mất năm 802. Thông tin này không phù hợp với logic: Năm 791 giành được Tống Bình mà mất năm 802 tức là Phùng Hưng cầm quyền trong 11 năm chứ không phải 7 năm.
GS Nguyễn Khắc Thuần cho rằng: Lý Tế Xuyên và truyền thuyết dân gian đã có sự lầm lẫn: hơn 7 năm là thời gian tính từ khi Phùng Hưng làm chủ khu vực quanh Đường Lâm tới khi ông mất, chứ không phải tính từ khi ông làm chủ Tống Bình. Ông được nhân dân suy tôn là “Bố Cái Đại Vương”.
Cũng có ý kiến, sau khi Phùng Hưng mất, con trai ông là Phùng An lên nối ngôi, dâng tôn hiệu cha là Bố Cái Đại Vương. Phùng An nối nghiệp được hai năm, do chia rẽ nội bộ nên lực lượng nhanh chóng suy yếu.
Nhà Đường cử lão tướng Triệu Xương cầm quân sang đánh, Phùng An và Phùng Hải phải đầu hàng. Nền tự chủ vừa mới xây dựng, chỉ tồn tại vẻn vẹn trên dưới 9 năm lại rơi vào tay giặc.
Hiển linh để giúp dân, giúp nước
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần: sau khi mất, Bố Cái Đại Vương rất hiển linh. Dân các làng thường nghe có tiếng ngựa xe đi lại ầm ầm trên nóc nhà hoặc trên ngọn cây cao, ngẩng trông thì thấy ẩn hiện trong những đám mây là cờ ngũ sắc và kiệu vàng rực rỡ, lại có cả tiếng nhạc văng vẳng nữa.
Bấy giờ, nếu có việc lành hay dữ sắp xảy ra thì thế nào, đêm đến cũng sẽ có dị nhân báo cho các vị hào trưởng biết để thông tin cho cả làng hay, cho nên ai cũng lấy làm lạ, bèn cùng nhau lập đền thờ Vương ở phía tây của Phủ đô hộ.
Đền thờ Vương lại rất linh thiêng, mọi việc cầu mưa, cầu tạnh đều được linh ứng. Ai gặp việc khó khăn như bị kẻ xấu trộm hoặc giả là muốn cầu tài, đến lễ thần đều được như ý. Bởi vậy người đến lễ rất đông, khói hương chẳng lúc nào dứt.
Khi Ngô Tiên Chủ (tức Ngô Quyền) dựng nước, bọn giặc Nam Hán sang cướp nước ta. Ngô Tiên Chủ ngày đêm lo nghĩ tìm cách chống đánh. Thế rồi một đêm, Ngô Tiên Chủ nằm mơ thấy có một cụ già áo mũ chỉnh tề đến nói rõ họ tên của mình và bảo rằng: Ta đã trù tính, sắp sẵn các đội thần binh để giúp sức nhà vua, xin nhà vua hãy gấp tiến binh đừng lo nghĩ gì cả.
Đến khi Ngô Tiên Chủ ra đánh giặc ở sông Bạch Đằng, nghe trên không có tiếng binh mã âm ầm và quả nhiên trận ấy đại thắng. Ngô Tiên Chủ lấy làm lạ liền sai sửa sang ngôi đền khiến cho đền rộng rãi và bề thế hơn xưa. Ngô Tiên Chủ đích thân đem lễ vật cùng cờ quạt, chiêng trống đến tế lễ.
Sau các triều quen thành lệ. Thời Trần vào năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) nhà vua sắc phong là Phù Hựu Đại Vương. Năm Trùng Hưng thứ hai lại gia phong thêm hai chữ Chương Tín.
Năm Hưng Long thứ 20 (1312) vua Trần Anh Tông gia phong thêm hai chữ Sùng Nghĩa nữa, đến nay sự linh thiêng vẫn được sùng phụng như xưa.
Sau khi đặt nền cai trị mới, bọn quan quân nhà Đường liên tục truy sát người trong gia tộc họ Phùng. Theo các dòng sông lớn, họ Phùng toả về vùng núi trung du, hạ lưu các con sông lớn nhỏ để lập nghiệp. Nhưng phần lớn vẫn ở các vùng Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…, tập trung lớn nhất phải kể đến dòng họ Phùng Quang, Phùng Gia ở Vĩnh Phúc, dòng họ Phùng Xuân thuộc hữu ngạn sông Bùi, Chương Mỹ – Hà Tây, dòng họ Phùng Văn ở Thanh Hóa, Phùng Huy ở Ba Vì…
(còn nữa)
Nguyễn Thành Hữu