Đại Việt thông sử nói về nguyên nhân Lê Bá Ly bỏ nhà Mạc về với nhà Lê.
Đánh Mạc Kính Điển
Tháng 3 năm Tân Hợi (1551), Lê Bá Ly đem cả hai đạo Sơn Nam và Sơn Tây với một vạn bốn ngàn quân cùng các con trai và cả Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện vào thẳng Thanh Hóa quy thuận nhà Lê.
Thấy lão tướng 77 tuổi, râu tóc bạc phơ vẫn còn quắc thước thì vua Lê và Trịnh Kiểm cả mừng, đón tiếp vô cùng trọng hậu, úy lạo và nhận cho hàng, lại thăng Lê Bá Ly chức Thái tể, tước Phụng Quốc công.
Lê Trang Tông tin dùng, ông nhân đó làm bài hịch chiêu dụ các quan văn võ dưới quyền chỉ huy của họ Mạc ở Bắc đạo, quay về với nhà Lê. Theo đó, một số tướng lĩnh khác cũng bỏ nhà Mạc vào nam như Đặng Huấn, Nguyễn Khải Khang và cháu là Nguyễn Hữu Liêu. Các tướng đi theo đều được ban chức tước như cũ.
Nắm bắt lấy cơ hội, tháng 6 năm 1551, Trịnh Kiểm làm Tổng chỉ huy, sai Lê Bá Ly và Vũ Văn Mật ra quân tấn công Thăng Long. Trong khi Trịnh Kiểm đến An Lạc, tấn công núi Hy thì Lê Bá Ly, Nguyễn Khải Khang và Vũ Văn Mật tiến đánh Thăng Long. Mạc Tuyên Tông bèn chạy đi Kim Thành, ủy thác Mạc Kính Điển ở lại cầm quân ở Bồ Đề bảo vệ kinh đô. Kinh thành bỏ trống, lần đầu tiên quân Lê Trịnh chiếm được Thành.
Từ Bồ Đề về phía bắc, Mạc Kính Điển đắp lũy đất, đặt thuyền chiến, quân thủy và quân bộ xen kẽ nhau, phòng thủ rất nghiêm ngặt. Quân Lê đánh lâu ngày không được, Trịnh Kiểm cùng Lê Bá Ly rút về Thanh Hóa.
Sau khi ổn định tình hình phía bắc, tháng 8 năm 1555, Mạc Kính Điển mang quân tiến công Thanh Hóa. Trịnh Kiểm sai Lê Bá Ly, Nguyễn Khải Khang, Nguyễn Thiến, Lê Khắc Thận cùng mai phục sẵn ở phía nam sông, còn Trịnh Kiểm đích thân đốc suất đại quân mai phục ở phía bắc sông; sai Phạm Đốc đem thuỷ quân cùng Nguyễn Quyện đem hơn 10 thuyền chiến chiếm cứ mạn thượng lưu từ sông Hữu Chấp đến sông Kim Bôi.
Thuyền quân Mạc qua Kim Sơn, các đạo quân mai phục đổ ra đánh. Quân Mạc thua chạy, Mạc Kính Điển rút quân về kinh thành.
Nguyên nhân bỏ nhà Mạc
Ngày 1 tháng 4 năm 1557 thời Lê Anh Tông, Lê Bá Ly mất tại Thanh Hóa, thọ 82 tuổi. Ông được truy tặng tước Nghĩa huân công và tên thụy là Trung Hựu.
Nguyên nhân để Thái tể Lê Bá Ly và các tướng dưới trướng phải bỏ triều nhà Mạc, rồi chạy vào Thanh Hóa đầu hàng nhà Lê đã được Lê Quý Đôn chép rõ trong bộ “Đại Việt thông sử”:
Lê Bá Ly là một vị lão tướng trọng thần, chuyên giữ binh quyền, tham dự triều chính, ai cũng tôn phục. Sau khi đánh Phạm Tử Nghi, uy danh càng thêm lừng lẫy…
Con trai là Phổ quận công Lê Khắc Thận, lấy trưởng công chúa Cẩm Hương, giữ quyền Tiết chế lộ Sơn Nam thượng, được gia thêm chức Chưởng phủ sự; cháu là Vạn An hầu, nguyên lấy ngụy Hiển Nghi Thái trưởng công chúa, gia thăng Chưởng kim ngô vệ, con rể là Văn phái hầu Nguyễn Quyện giữ vệ Phù Nam, con nuôi là Tả ngự hầu giữ vệ Cẩm y; con trai thứ là Thuần lương hầu cũng quản đội cấm binh; thông gia là Thư quận công Nguyễn Thiến, giữ chức thượng thư bộ Lại, Đổng Giang hầu Bùi Trụ giữ chức Tán lý quân vụ.
Thân đảng kết liên, khí thế rực rỡ, bao nhiêu hùng binh trọng trấn, đều nắm trong tay, bao nhiêu bầy tôi văn võ đều ra từ cửa nhà Bá Ly. Phạm Quỳnh và Phạm Dao vốn xuất thân trong hàng đầy tớ nhà Bá Ly, khi được hiển đạt lại đem lòng oán ghét, muốn tính sự hãm hại Bá Ly…
Thế mới biết, từ ngày xưa, vì quyền lợi, địa vị và bổng lộc, người ta sẵn sàng vứt bỏ tình thầy trò và bằng hữu, chà đạp lên luân thường đạo lý để hại nhau, thậm chí sát hại nhau nhằm tranh giành quyền bính.
Điều đáng buồn là từ thượng cổ cho đến ngày nay những kẻ phản thầy hại bạn chẳng bao giờ có được kết cục tốt đẹp, thế nhưng không hiểu vì sao hậu thế vẫn còn không ít người cố tình đi theo những gương đáng xấu hổ ấy.
Nguyễn Thành Hữu