Phùng Hưng đánh hổ (hình minh họa)
Anh em sinh ba sức khỏe phi thường
Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi cự tộc lâu đời, là cháu 7 đời của Phùng Tói Cái – người đã từng vào cung vua Đường Cao Tổ, thời niên hiệu Vũ Đức (618 – 626) dự yến tiệc và làm quan lang đất Đường Lâm, nay là xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Đường Lâm xưa vốn là vùng đất gò đồi và rừng cây rậm rạp, bởi vậy mới có tên gọi là “đường lâm”.
Cho tới nay, ngày sinh của Phùng Hưng vẫn chưa rõ. Các sách chính sử như Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục ghi ông mất năm 791, chỉ một thời gian ngắn, sau khi giành được chính quyền.
Một nguồn dã sử cho biết, ông sinh ngày 25/11/760 (tức 5/01/761) và mất ngày 13/8 năm Nhâm Ngọ (tức 13/9/802), thọ 41 tuổi. Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh – một người hiền tài đức độ.
Theo sự tích, Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Ông bà sinh một lần được liền ba người con trai khôi ngô khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, có thể “kéo trâu”, “quật hổ”. Anh cả Phùng Hưng, em thứ Phùng Hải và em út Phùng Dĩnh.
Khoảng năm Nhâm Tuất (722) đời Đường Huyền Tông, niên hiệu Khai Nguyên, Phùng Hạp Khanh tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (tức Mai Hắc Đế); sau đó trở về quê chăm chú việc điền viên, trở nên giàu có, trong nhà nuôi hàng nghìn nô tỳ.
Khi ba anh em 18 tuổi thì bố mẹ đều mất; trong ba anh em, Phùng Hưng là người có sức khỏe và khí phách đặc biệt. Phùng Hưng nối nghiệp cha trở thành hào trưởng đất Đường Lâm; dân gian còn lưu truyền câu chuyện ông dùng mưu kế giết hổ dữ mang lại bình yên cho làng xóm.
Vào phủ đô hộ, coi chính sự
Bấy giờ là những tháng năm thuộc niên hiệu Đại Lịch triều nhà Đường thống trị. Cai quản nước Việt lúc này là Cao Chính Bình, nguyên chân quan võ Đô uý châu Vũ Định (ở Tây Bắc), vì có công danh đánh lui các toán giặc cướp từ ngoài biển kéo vào, nên được vinh thăng đứng đầu cả Phủ đô hộ, đóng dinh trong toà “An Nam La thành”, bên bờ sông Tô Lịch.
Cao Chính Bình đề ra tân chính sách, bóc lột cực kì hà khắc và ra sức vơ vét của cải, bắt người dân phải đóng sưu cao thuế nặng, khiến người Việt ở khắp nơi hết sức phẫn nộ.
Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766 -779), chưa rõ đích xác vào năm nào, nhân lòng căm phẫn của người dân, lợi dụng khi quân lính nổi loạn, Phùng Hưng phát động khởi nghĩa chống chính quyền đô hộ và được sự hưởng ứng rộng rãi của người dân từ khắp các miền đất Giao châu.
Thoạt đầu, anh em họ Phùng làm chủ Đường Lâm rồi tiến lên đánh chiếm cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc.
Phùng Hưng xưng là Đô Quân; Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng, chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Cao Chính Bình đem quân đàn áp nhưng chưa phân thắng bại. Tình hình diễn ra như vậy hơn 20 năm.
Được sự trợ giúp của người cùng làng có nhiều mưu lược là Đỗ Anh Hàn, tháng 4 năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng từ chỗ cầm cự đã cùng các tướng lĩnh đem quân vây đánh thành Tống Bình. Quân của Phùng Hưng chia làm 5 đạo do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần và chủ tướng Phùng Hưng tiến công vây thành.
Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trong khoảng 7 ngày, quân Đường chết nhiều, Cao Chính Bình phải cố thủ trong thành, lo sợ cuối cùng bị ốm rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước.
Bằng công lao và sự nghiệp lẫy lừng năm 791, người hào trưởng đất Đường Lâm trở thành nhân vật lịch sử anh hùng ở Thủ đô, thời tiền Thăng Long.
(còn nữa)
Nguyễn Thành Hữu