Đền thờ Phùng Hưng ở Đường Lâm.
Được lập đền thờ ở nhiều nơi
Lăng mộ Phùng Hưng ngày nay nằm ở đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đền thờ ông được dựng lên ở nhiều nơi như quê hương Đường Lâm, đình Quảng Bá (Tây Hồ), đình Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), thờ ở lăng Đại Áng, Phương Trung, Hoạch An, phủ Thanh Oai (Hà Nội); tại xã Gia Thanh, Gia Viễn tỉnh Ninh Bình có ba ngôi đền thờ Bố Cái Đại Vương, tương truyền ông mất tại đây.
Sau này đất Đường Lâm quê ông còn xuất hiện một vị vua nữa – Ngô Quyền, người đánh bại cuộc xâm lược của quân Nam Hán, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc (938). Do vậy Đường Lâm còn được biết đến với tên gọi “Đất hai Vua”.
Về Lễ hội làng Đào Nguyên, được tổ chức tại làng Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội. Đây là lễ hội truyền thống của làng. Tương truyền lễ hội này có từ rất lâu đời.
Theo nhiều sử sách ghi lại và các cụ trong làng kể lại thì lễ hội này được tổ chức để tưởng nhớ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Hội được tổ chức vào ngày 10/2 âm lịch hàng năm (khác với các làng khác trong xã An Thượng đều tổ chức lễ hội vào ngày 12/1 âm lịch). Vậy nên lễ hội thu hút rất nhiều người từ các vùng lân cận đến xem.
Lễ rước kiệu là một nghi lễ bắt buộc trong hội. Hàng năm đều tổ chức rước kiệu lên quán, nhưng chỉ là rước nhỏ, cứ 5 năm lại tổ chức rước to một lần gắn với lễ hội to. Lễ rước kiệu đầu tiên được tổ chức vào xuân Nhâm Thân (1992). Lễ hội to tiếp theo được tổ chức vào năm Canh Dần (2010). Trong lễ, người ta rước tất cả 7 cái kiệu, khi rước nhỏ thì chỉ rước 5 cái…
Ở làng Đường Lâm hiện vẫn còn một tấm bia cổ và hiếm quý (niên đại 1390) ghi lại sự tích từ thời cổ đại – thế kỷ thứ VIII – của vị Đại Vương là người làng, phù hợp với sự ghi chép trong bộ sách của triều đình nhà Trần cũng rất cổ ( niên đại 1312) – Việt điện u linh tập – nói về những điều linh dị mà hiện hữu về cùng một nhân vật, đồng thời là nhân thần Phùng Hưng.
Về danh xưng Bố Cái Đại Vương
Về danh hiệu “Bố Cái Đại Vương”, vì hiểu nghĩa “Bố Cái” là “Cha Mẹ”, sách Đại Việt sử ký toàn thư đã có câu viết để giải thích là: “Con (Phùng Hưng, sau khi cha mẹ mất) tôn xưng (cha) là Bố Cái Đại Vương. Tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái cho nên lấy làm hiệu”.
Tuy nhiên, trong công trình Việt giám thông khảo tổng luận, sử thần Lê Tung lại gọi Phùng Hưng nguyên văn là “Phùng Bố Cái”. Cấu trúc của cụm từ này cho thấy ở đây, nghĩa của “Bố” chính là: vua (Vua – Bố), và “Cái” là Lớn. “Bố Cái”, vậy, tiếng Nôm là ” Vua Lớn”, hoàn toàn tương đồng với “Đại Vương” trong tiếng Hán Việt.
Vì thế, điều quan trọng sau đây, được ghi trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, là: “Dân chúng tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại Vương” chứ không phải là con Phùng Hưng tôn xưng cha.
Và việc Phùng Hưng được dân chúng suy tôn là “Vua Lớn”, còn thấy rõ trong câu sử bút sau đây: “Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây Phủ đô hộ, tuế thời cúng tế”.
Sử cũ còn ghi chép rõ: ngôi đền thờ ấy, trên đất Hà Nội thời tiền Thăng Long, đến thời Lê, thuộc đất “Phường Thịnh Quang”.
Nguyễn Thành Hữu