PGS.TS Trần Xuân Nhĩ. Ảnh Trần Hải
Chính sách nhân văn
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018. Theo đó, Chính phủ đồng ý nâng chuẩn giáo viên mầm non; miễn học phí THCS; bổ sung quy định về Hội đồng trường đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ có chức năng thực hiện nhiệm vụ các cơ quan chủ quản; lấy ý kiến về tổ chức kỳ thi THPT quốc gia… Ông nghĩ sao về chủ trương này?
Quả thực là rất đáng mừng khi bậc học mầm non 5 tuổi và THCS được miễn học phí. Tuy nhiên đây cũng chỉ mới là dự thảo, còn phải lấy ý kiến rồi mới được luật hóa. Nếu Nhà nước đủ tiền cung cấp kinh phí cho giáo dục thì chuyện miễn học phí là rất nên làm. Đó là một chính sách nhân văn. Thậm chí có thể miễn học phí ở cấp học cao hơn cũng rất đáng hoan nghênh. Đáng tiếc là như tôi biết thì hiện nay Nhà nước chưa có điều kiện để thỏa mãn tất các các yêu cầu của giáo dục.
Phải chăng để làm được thì cần đến tiềm lực kinh tế lớn?
Đúng thế, rất lớn mới làm được. Còn hiện nay, nhiều nơi trường lớp vẫn tuềnh toàng, sập sệ, đời sống giáo viên khó khăn, cơ sở vật chất giảng dạy còn đơn giản, thiếu thốn… dù chúng ta đã đầu tư nhiều cho giáo dục. Ngân sách thì cũng hạn hẹp, chưa thể có điều kiện để khắc phục hết những khó khăn ấy. Việc miễn học phí ở các trường công lập với bậc mầm non 5 tuổi và THCS có thể sẽ tạo ra gánh nặng với các nhà trường.
Ý ông là chúng ta chưa đủ điều kiện miễn học phí?
Nếu Nhà nước có đủ tiền để miễn học phí, tạo điều kiện mọi người được đi học thì tốt. Nhưng hiện nay chúng ta chưa có đủ điều kiện để làm như thế. Không có nghĩa cứ bậc học phổ cập thì miễn học phí. Tùy điều kiện ở từng nước mà có các chính sách khác nhau. Miễn học phí thì ai cũng mừng, nhưng phải tính toán đến các trường sẽ phải xoay thế nào, nguồn thu ra sao.
Cách tốt nhất, theo ông nên là gì?
Song song với miễn học phí ở trường công lập thì thúc đẩy, khuyến khích mở trường tư thúc. Xã hội ta có truyền thống hiếu học, mọi người sẽ cùng chung tay góp sức mình cho giáo dục. Trong khi tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp thì sự chung tay của cả xã hội là cần thiết. Những gia đình có điều kiện sẽ đầu tư cho con học trường tư, và chất lượng giáo dục ở các trường này phải giống như dịch vụ. Giá cao, thì chất lượng phải cao.
Hiện nay thì hai hệ thống trường công – tư vẫn song song?
Đúng thế. Có nhiều trường tư thục chất lượng giáo dục cao như Nguyễn Siêu, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn… Người có thu nhập cao thì đầu tư cho con mình vào các trường này. Đó là quy luật chung của xã hội trong việc lựa chọn các dịch vụ tiện ích của xã hội.
Lo các khoản ngoài học phí
Như ông vừa nói, ông băn khoăn về tính khả thi của quy định khi điều kiên ngân sách hiện nay còn hạn hẹp, liệu có thực hiện được điều này?
Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, khi thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS công lập, hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập thì hàng năm, ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm một khoản là 4.730 tỉ đồng. Nguồn kinh phí thực hiện được Bộ GD&ĐT tính toán cân đối trong 20% chi ngân sách cho GD&ĐT. Cụ thể, hiện tổng ngân sách chi thường xuyên cho GD&ĐT theo Nghị quyết Quốc hội phê duyệt mỗi năm tăng từ 6% – 8%, xét về số tuyệt đối thì hàng năm ngân sách chi thường xuyên cho GDĐT tăng từ 10.000 tỉ đến 13.000 tỉ (ví dụ năm 2018 ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục Quốc hội phê duyệt là 229.074 tỉ, năm 2017 ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục là 215.167 tỉ, phần tăng thêm là 13.907 tỉ).
Như vậy là chỉ học trường công mới được hưởng chính sách này, trong khi số trẻ học trường tư thục khá lớn, liệu có bất công?
Theo dự thảo quy định thì những trường hợp khó khăn mà học trường tư thục cũng sẽ được hỗ trợ học phí. Điều này để tránh gây thiệt thòi cho những trẻ có bố mẹ đang đi thuê trọ ở các thành phố lớn.
Ở góc độ là phụ huynh, miễn học phí là đáng mừng song nhiều người lo rằng nhà trường sẽ nghĩ ra nhiều khoản khác ngoài học phí để bù đắp. Liệu họ có cơ sở để lo lắng như thế?
Đúng là học phí so với các khoản thu khác chẳng đáng là bao. Ngay như Hà Nội, dù tăng tới gần 40% so với năm học trước, nhưng mức thu học phí của học sinh mầm non, THCS, THPT năm học 2017-2018 khu vực thành thị là 110.000 đồng/tháng, nông thôn 55.000đồng/tháng. Số tiền này không đáng là bao so với các khoản thu xã hội hóa ở nhiều trường hiện nay. Do đó, để chính sách miễn học phí thực sự có ý nghĩa, nhất quyết phải ngăn chặn được lạm thu. Bản thân các nhà trường có thể khó khăn hơn, nhưng miễn học phí là chính sách nhân văn cần áp dụng. Vấn đề quản lý lạm thu là việc của ngành giáo dục.
Danh mục các khoản gì được thu, khoản gì không hiện có rõ ràng?
Bộ đã ban hành các văn bản quy định rất chặt chẽ về các khoản được thu, không được thu và yêu cầu các cơ sở giáo dục không được phép thu các khoản trái quy định, sẽ xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm. Nên phụ huynh yên tâm.
Nhà trường đừng làm oằn lưng phụ huynh
Miễn học phí, phụ huynh vui, nhưng nhà trường liệu có vui?
Chúng ta phải làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho con em mình đến trường. Có đầu tư vào nền tảng giáo dục thì mới có cơ hội để phát triển. Hiện nay ở các thành phố lớn thì không nói, chứ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhiều nhà điều kiện kinh tế rất khó khăn. Thu xếp cho một đứa con đi học cũng rất khó. Việc miễn học phí đến cấp THCS sẽ tạo điều kiện rất lớn để nhiều em được đến trường hơn. Nhà trường có thể khó khăn hơn, nên Bộ phải quản lý chặt việc lạm thu. Coi việc lạm thu như tham nhũng, người đứng đầu phải bị xử lý nghiêm.
Ông có nhắn nhủ gì các nhà trường?
Tôi mong nhà giáo sống được bằng nghề. Các nhà trường lấy mục tiêu giáo dục làm đầu chứ không phải là kinh doanh. Và các trường, đừng lấy các khoản thu ra làm oằn lưng phụ huynh.
Không biết ở những nước khác, chính sách dành cho giáo dục có tương tự như chúng ta?
Đúng thế, các nước phát triển họ có cả thế kỷ đầu tư cho giáo dục, sau đó thì mới phát triển được đến như bây giờ. Chúng ta cũng nên bắt đầu bằng việc miễn học phí. Tôi cho đây là một bước tiến rõ rệt, là sự mong đợi của người dân, những người có con đi học, những người tâm huyết với giáo dục, từ rất lâu rồi.
Chi cho giáo dục hiện nay, theo ông có phải là gánh nặng của các gia đình?
Gánh nặng quá đi chứ. Không chỉ có học phí. Nhà trường đề ra biết bao nhiêu khoản đóng góp khác nhau, phụ huynh oằn lưng mà đóng. Tôi mong tới đây Quốc hội sẽ thông qua chủ trương miễn học phí này. Và không chỉ miễn có học phí. Học đến lớp 9, nghĩa là hết THCS thì học sinh không phải đóng góp gì. Có như thế thì mới phát triển được.
Xin cảm ơn ông!
Về dự án Luật Giáo dục sửa đổi, Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ GD-ĐT bổ sung chính sách nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm theo lộ trình. Thống nhất chủ trương thực hiện miễn học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập, đặc biệt đối với thôn xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa theo quy định của Hiến pháp năm 2013; Nghị quyết số 29-NQ/TW. Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương xác định nhu cầu nguồn kinh phí thực hiện chính sách này theo lộ trình phù hợp.
Tô Hội (thực hiện)