Doanh nghiệp lợi dụng
Dự thảo “Quyết định quy định về quy chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân”, thời gian điều chỉnh giá điện được rút ngắn còn 3 tháng (thay vì 6 tháng như trước đây), biên độ điều chỉnh giá điện cũng có sự thay đổi. EVN được quyền tăng giá điện từ 3 – 5%/lần điều chỉnh, đồng nghĩa là EVN được quyền tăng giá điện cao nhất là 20%/năm. Ông nghĩ sao về dự thảo này?
Trước hết tôi phải khẳng định dự thảo này không phù hợp với định chế về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Bởi chỉ có hai chủ thể được quyền định giá sản phẩm là nhà nước và thị trường. Đối với những doanh nghiệp độc quyền thì nhà nước phải định giá, đối với doanh nghiệp có sản phẩm cạnh tranh thì để thị trường quyết định.
Và đã thuộc diện doanh nghiệp độc quyền thì dù có tự ý tăng giá ở biên độ nhỏ đến đâu đi chăng nữa, chỉ 1 – 2% cũng không ổn. Không bao giờ được để doanh nghiệp độc quyền tự quyết định giá, dù chỉ là điều chỉnh ở biên độ cực kỳ nhỏ.
Điều này được quy định rõ ràng?
Thể chế quy định giá của Luật giá quy định như thế. Khi đã là doanh nghiệp độc quyền thì kiểu gì cũng phải do Nhà nước định giá. Nếu để doanh nghiệp định giá thì họ sẽ lợi dụng biên độ ấy để tăng giá. Cái sai ở đây là sai ngay trong định chế.
Và thị trường điện ở Việt Nam là độc quyền?
Đúng thế, nên nhà nước phải quy định giá. Giờ có hiện tượng là có cơ chế lưỡng tính, khoản này thì nhà nước định giá, khoản kia thì doanh nghiệp định giá. Như thế cũng vẫn là sai về nguyên tắc. EVN không có quyền tự định giá, dù biên độ giá nhỏ đến bao nhiêu đi chăng nữa cũng vẫn là sai, chưa nói gì đến biên độ 20%.
Theo định chế quản lý giá của cơ chế thị trường thì chúng ta buộc phải tuân theo, nếu không thì doanh nghiệp sẽ “một mình một chợ” tăng giá để trục lợi.
Từ trước đến nay việc điều chỉnh giá điện là do Nhà nước quyết định?
Đúng thế, tăng giảm bao nhiêu phần trăm cũng là do nhà nước định. Cũng giống như xăng dầu là độc quyền nhóm, có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh nên nhà nước không để doanh nghiệp tự định giá. Trong Nghị định 83 quy định tăng từ 3 – 7% thì doanh nghiệp tự định giá nhưng thực tế thì nhà nước vẫn giữ vai trò quản lý định giá.
Dự thảo cho phép EVN được quyền tăng giá điện 20% là sai về định chế. Ví dụ như trong gia đình cho phép chi tiêu của từng người không được phép vượt quá 10 đồng, trên 10 đồng phải hỏi ý kiến gia đình, thì ở quản lý vĩ mô cũng thế. Doanh nghiệp độc quyền thì nhất định Nhà nước phải định giá. Cái này trong luật đã quy định rồi.
Sai định chế
Có thể nói là việc doanh nghiệp tự định giá là sai, dù với mức giá nào?
Lĩnh vực xăng dầu hiện nay có quy định tăng giá với các khung khác nhau, từ mấy đến mấy phần trăm là doanh nghiệp quyết định, từ mấy đến mấy phần trăm là bộ quyết định, từ mấy đến mấy phần trăm là Chính phủ, nhưng thực tế thì toàn bộ do Nhà nước quyết định.
Điều đó cho thấy giữa Nghị định và thực tiễn là không phù hợp với nhau. Bây giờ lại lặp lại đối với ngành điện là sai về định chế, bản chất vấn đề nên ta không phải bàn là được quyết định bao nhiêu phần trăm nữa.
Vậy thì đơn vị soạn thảo, phải chăng họ không nắm được định chế?
Tôi nghĩ đơn vị soạn thảo chưa nắm rõ định chế này khi xây dựng dự thảo. Họ cho rằng mỗi quý tăng 3-5% thì mỗi năm tăng đến 20%, trong khi lạm phát thì chưa bao giờ đến 20%. Tư duy này cũng không đúng vì tùy từng doanh nghiệp mà có mức lạm phát khác với mức chung của quốc gia.
Ví dụ năm nay lạm phát 5% nhưng mặt hàng may mặc lại lên đến 10% cơ, lạm phát 3% nhưng giày dép, mũ nón chỉ 0%. Nên chỉ số lạm phát chỉ là một căn cứ chứ không được đồng nhất với mặt bằng chung của giá.
Nên cách tính này là sai?
Quan điểm tính toán như thế là trái với định chế và không nắm được giữa mức giá cụ thể và mức giá chung. Năm nay nhà đất có thể tăng cao nhưng gạo không tăng. Chỉ số lạm phát không nói lên xu hướng của tất cả các ngành, các mặt hàng.
Chưa thể có thị trường điện cạnh tranh
Lâu nay ta vẫn nói đến thị trường điện cạnh canh, phải chăng đến nay vẫn chưa thể có?
Thị trường điện cạnh tranh có 3 khâu là phát điện, truyền dẫn và phân phối. Phát điện thì Nhà nước đang tiến tới thị trường điện cạnh tranh nhưng thực chất thì chưa có đến 50% các công ty tham gia.
Người bán thì cạnh tranh, nhưng người mua thì lại độc quyền chỉ có EVN, nên về bản chất là không cạnh tranh.
Còn truyền dẫn thì Nhà nước quản lý 100%. Khâu phân phối thì có bán lẻ và bán buôn, mới chỉ khuyến khích cạnh tranh chứ chưa có. Nên điện vẫn là một ngành độc quyền. Đã là độc quyền thì trong luật thể chế định giá là do nhà nước định.
Việc quy định biên độ điều chỉnh giá nhỏ đi để thị trường đỡ “sốc” có phải là giải pháp bình ổn giá?
Thực ra làm như thế cũng vẫn là sai về thể chế định giá. Cần phải đi từ gốc vấn đề là doanh nghiệp không được phép định giá. Thị trường chỉ có hai đối tượng được quyết định giá là nhà nước và thị trường.
Có khi nào nhà nước và doanh nghiệp cùng “bắt tay” định giá?
Không thể có chuyện đó được. Nhà nước định giá dựa trên thị trường chứ đó cũng không phải giá độc quyền. Việc định giá này cũng phải được tính toán rất cẩn trọng, phải sử dụng phương pháp tính toán chi phí.
Những chi phí nào hợp lý thì nhà nước tính vào giá, chứ còn anh đi xây bể bơi, đi du lịch, đi tham quan, đầu tư vào những thứ khác mà bảo nhà nước tính vào giá điện là không được. Nếu định giá cao thì người dân và nhà nước thiệt, định giá thấp thì doanh nghiệp không tồn tại được.
Có khi nào ngành điện được quyền tự định giá do họ đã có thị trường điện cạnh tranh?
EVN có thể được trao quyền quyết định tăng giá điện nhưng cơ quan chức năng phải đánh giá được việc điều chỉnh như thế có hợp lý hay không.
Chúng ta cần có cơ quan tư vấn độc lập thẩm định giá có đủ năng lực, tách bạch khỏi EVN cũng như Bộ Công Thương. Phải minh bạch để các cơ quan chức năng có thể kiểm tra và tái kiểm tra khi cần. Nếu sai có thể quy trách nhiệm người đứng đầu.
Và việc tăng hay giảm giá phải tuân theo luật và quy luật?
Đúng thế, ngoài luật thì còn có quy luật. Quy luật tự nhiên, nước ở chỗ cao bao giờ cũng chảy xuống chỗ thấp. Muốn nước chỗ thấp lên chỗ cao phải dùng máy bơm.
Quy luật xã hội như “bức tường khi đổ vào đầu mới biết đúng hay sai”. Nên nếu không có nhận thức đúng thì chính sách “sáng đúng chiều sai, sáng mai lại đúng” là chuyện bình thường. Người lãnh đạo phải hiểu được quy luật, nắm được bản chất của vấn đề.
Phải chăng, muốn thay đổi lại phải nhắc đến chuyện thể chế?
Thể chế chính là những luật, quy luật phải tuân thủ chứ không phải là cái gì quá cao siêu cả. Những luật đó phải phù hợp với sự vận động và phát triển của nền kinh tế đó. Đơn giản thế thôi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bộ Công Thương đưa ra Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (Dự thảo) để lấy ý kiến, cho phép thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng/lần. Đáng chú ý, trong cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, đối với trường hợp giá đầu vào giảm thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được điều chỉnh giảm ở mức tương ứng và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra. Tuy nhiên, đối với trường hợp tăng giá điện, với mức tăng từ 3% đến dưới 5% thì EVN sẽ được quyền quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ ở mức tương ứng; mức tăng từ 5% đến dưới 10% thì Bộ Công Thương sẽ quyết định mức tăng và trên 10% là do Chính phủ quyết định.
Tô Hội (thực hiện)