7 thức uống giải nhiệt mùa hè

Trà xanh, nước dừa, nước chanh, nước râu ngô,… có tác dụng thanh nhiệt, giải độc trong mùa hè nắng nóng.

Trà xanh

Trà xanh là một trong những loại thảo dược có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tốt của cơ thể. Mỗi ngày uống 4 – 5 tách trà khoảng (800 – 1.000ml) giúp cơ thể giải nhiệt, giải độc, phòng ngừa được một số bệnh như tăng huyết áp, cholesterol máu tăng, xơ vữa động mạch… Nên uống vào buổi sáng, trưa, chiều; không uống vào buổi tối để khỏi ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Nước dừa

Dừa là một trong nhiều loại nước uống giải khát thông dụng. Theo Đông y, nước dừa ngọt ấm, không độc, giúp tăng cường khí lực. Uống nước dừa thường xuyên sẽ rất tốt cho sức khỏe.

Nước chanh tươi có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong mùa hè.

Nước cam, chanh

Cam , chanh có tác dụng sinh tân dịch, cải thiện tình trạng khô khát, trừ nhiệt, dùng chữa các bệnh khô nóng do nhiệt. Một cốc nước cam, chanh ép trong những ngày nắng nóng sẽ giúp cơ thể dịu lại.

Nước vỏ dưa hấu, bí đao

Vỏ dưa hấu có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Vỏ quả bí đao có tác dụng tiêu sưng, viêm, rất tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường. Có công dụng thanh nhiệt và có thể điều trị bệnh thận, bệnh phổi, bệnh tim gây ra bởi phù, đầy bụng, khó tiểu…Vỏ dưa hấu, bí đao thái nhỏ (dùng tươi hoặc phơi khô) rồi sắc với nước uống hàng ngày. Nước vỏ dưa hấu, bí đao có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu. Rất tốt cho những người khó tiểu tiện hay cần phải bù nước.

Nước râu ngô

Râu ngô có vị ngọt, tính bình, có công năng lợi tiểu, tiêu thũng, thông mật, lợi mật, thanh huyết nhiệt, bình can. Râu ngô có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Kết hợp với mía lau, lá dứa nấu nước uống thay nước lọc hàng ngày. Có tác dụng lợi tiểu. Những người bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường dùng nước này rất tốt.

Sắn dây

Sắn dây có vị ngọt, tính bình, công năng giải nhiệt, giải biểu, sinh tân dịch, chỉ khát. Tác dụng chữa cảm mạo, phát sốt, ban sởi mới phát, đi lị ra máu, khát nước, mụn nhọt. Đặc biệt, trong sắn dây có chất isoflavon giúp tăng lượng máu lên não, làm giảm huyết áp. Nên cũng là thức uống phòng tăng huyết áp rất tốt.

Rau má

Rau má có vị ngọt, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Thường dùng trong các trường hợp sốt, chảy máu cam, nôn ra máu, lỵ, táo bón do nhiệt, đi tiểu buốt, mụn nhọt, rôm sảy, ho, giãn tĩnh mạch, chức năng giải độc của gan suy yếu, sản phụ ít sữa. Ngày dùng 30 – 50g rau má tươi (có thể nhiều hơn). Rửa thật sạch rồi giã nát hoặc xay nhuyễn, vắt lấy nước pha nước hoặc nước dừa để uống. Có thể nấu canh để ăn trong bữa cơm hoặc nấu lấy nước uống thay nước trà trong ngày.

Theo Bác sĩ Đoàn Liên (SKĐS)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top