Gần đây bà Trần Thị Hân (60 tuổi, Thanh Hóa) hay khô miệng, hơi thở hôi, miệng như bị nhiệt. Nghĩ mình ăn đồ nóng, đánh răng không sạch, ăn cơm xong bữa nào bà cũng xỉa răng, đánh răng nhưng càng đánh miệng càng nhiệt, lợi sưng và có nhiều vết loét trong miệng.
Tuần vừa rồi bà đi khám bệnh định kỳ, bác sĩ kiểm tra tổng thể thấy đường huyết cao, miệng khô gây viêm lợi. Bác sĩ cho bà dùng thuốc, điều chỉnh chế độ ăn, khuyên bà đánh răng bằng bàn chải mềm, dùng chỉ nha khoa thay vì dùng tăm.
Lời bàn: Bệnh nhân mắc đái tháo đường không có lượng nước bọt nhiều và rất dễ gặp tình trạng khô miệng. Điều đó dẫn tới nguy cơ cao của viêm răng lợi. Để phòng tránh biến chứng răng lợi trong bệnh tiểu đường cần duy trì đường huyết bình thường. Các nghiên cứu cho thấy, người bị tiểu đường càng lâu lượng đường huyết lúc đói càng cao và hemoglobin A1C càng cao (hemoglobin A1c là một chỉ số đánh giá đường huyết trung bình của một người trong vòng ba tháng) và càng nhiều khả năng mắc bệnh răng lợi, thậm chí gây chảy máu răng. Những người mắc tiểu đường cần cẩn thận hơn trong việc đánh răng, nên dùng chỉ nha khoa thay vì dùng tăm và nên đi khám răng thường xuyên hơn những người khác.
Ths. BS Đỗ Đình Tùng (Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa)